Lịch sử
Dòng Chúa Cứu Thế do thánh Alphonsô Maria De Liguori thành lập ngày 09 tháng 11 năm 1732, tại đồi Scala, nước Italia ngày nay. Ngày 30.11.1925, đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, ba thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, thuộc Tỉnh Dòng thánh Anna ở Quebec, Canada đã đến Việt Nam. Suốt 85 năm hiện diện với cộng đồng các sắc tộc Việt Nam, Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu theo Đức Kitô Cứu Thế loan báo tin mừng cho người bị bỏ rơi hơn cả.
Năm 1923, Ðức Giám Mục thừa sai Henri Lecroart S.J. được phái sang bán đảo Ðông Dương với tư cách Khâm Sai Kinh Lý của Toà Thánh. Nhận thấy Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội truyền giáo đầy triển vọng, với những cộng đoàn tín hữu sốt sắng, ơn gọi tu sĩ và linh mục dồi dào, nhưng đồng thời cũng lại là những cộng đoàn còn thiếu chiều sâu đức tin, thiếu chiều sâu đời sống nội tâm và thiếu sự sinh động tông đồ. Ðức Khâm Sai đã đề nghị Toà Thánh lưu tâm thiết lập các cơ cấu và đơn vị đảm trách việc tổ chức các kỳ đại phúc cho giới bình dân và các cuộc tĩnh tâm, cấm phòng cho hàng giáo sĩ và các tu sĩ.
Ngày 20-06-1924, trong phiên họp cứu xét báo cáo đúc kết kỳ kinh lược của Ðức Cha Henri Lecroart S.J, các thành viên Thánh Bộ Truyền Giáo đã đề nghị Ðức Hồng Y Van Rossum C.Ss.R., Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, vận động Dòng Chúa Cứu Thế thiết lập Nhà Dòng tại Ðông Dương.
Ngày 09-11-1924, Ðức Hồng Y Van Rossum liên lạc với cha Patrick Murray, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế, và đề nghị trao việc lập Dòng tại Ðông Dương cho Tỉnh Dòng Sainte-Anne-de-Beaupré, Canada. Cha Bề Trên Tổng Quyền và Hội Ðồng Cố Vấn Trung Ương đã chấp thuận đề nghị của Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo. Sau đó, cha Bề Trên Tổng Quyền yết kiến Ðức Thánh Cha Pi-ô XI để xin ngài chuẩn y.
Ngày 19-11-1924, mười ngày sau khi Ðức Hồng Y Van Rossum đề nghị với cha Patrick Murray, cha Thomas Pintal, Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Sainte-Anne-de-Beaupré, đã trả lời với cha Bề Trên Tổng Quyền và Hội Ðồng Cố Vấn Trung Ương rằng Tỉnh Dòng Sainte-Anne hân hoan chấp nhận đảm trách nhiệm vụ thiết lập Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam.
Ngày 14-10-1925, ba vị thừa sai tiên khởi rời quê hương Canada, lên đường sang Ðông Dương thực hiện nhiệm vụ cao cả. Ðó là :
Linh mục Hubert Cousineau (1890-1964)
Linh mục Eugène Larouche (1892-1978)
Tu sĩ Thomas St-Pierre (1883-1961).
Ngày 30-11-1925, ba vị đến Huế, được Ðức Giám Mục Allys tiếp đón nồng hậu. Từ đó, Dòng Chúa Cứu Thế bắt đầu hiện diện tại Việt Nam.
Cho đến nay Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có 281 thành viên, trong đó 173 linh mục, 2 phó tế vĩnh viễn, 9 phó tế chuyển tiếp, 30 trợ sĩ, và 63 tu sĩ đang được đào tạo triết học và thần học. Các cộng đoàn có mặt và hoạt động từ đồng bằng đến miền núi, từ Bắc chí Nam, với các ưu tiên mục vụ cụ thể bao gồm các việc Loan báo Tin Mừng, Đại phúc, Chăm lo cho các nạn nhân của xã hội hiện đại, Nỗ lực cho công lý và hoà bình, và Truyền thông xã hội.
Linh Đạo
Dòng Chúa Cứu Thế đã được Thánh Anphong Maria de Liguori, Giám mục tiến sĩ Hội Thánh, thành lập vào năm 1732 tại miền nam Nước Ý. Mục đích chính của Dòng là “noi gương Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế rao giảng Lời Chúa cho người nghèo khó″ (Hiến Pháp 1). Sĩ tử DCCT đã và đang cố gắng thực hiện sứ mạng của mình dưới nhiều hình thức và trong mọi hòan cảnh. Điều làm cho các sĩ tử trong mọi thế hệ không ngừng hăng say rao giảng Lời Chúa chính là nền Linh đạo mà thánh nhân đã sống.
Linh đạo của Dòng được xoay quanh bốn điểm nổi bật chính yếu:
1. Máng cỏ (Crib)
Đối với Cha Thánh Anphong, ơn cứu độ chứa chan được khởi đi bằng mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Sĩ tử được mời gọi để, như Đức Kitô, đi vào lòng người bằng nếp sống đơn sơ, gần gũi và nên một với người thấp cổ bé miệng. Vì thế, hình ảnh của máng cỏ năm xưa rất gần gũi với sĩ tử DCCT.
2. Thánh giá (Cross)
Sĩ tử không chỉ noi gương Đức Kitô tại làng Bêlem, mà còn gắng theo Người lên tới đỉnh Can-vê. Mầu nhiệm Thập giá nói lên khía cạnh hy sinh, đau khổ, không thể thiếu được trong việc loan báo tin mừng ‘ơn cứu độ chứa chan’. Chúa Giêsu Cứu Thế và Mầu Nhiệm Thập Giá không còn là hai, mà chỉ là một.
3. Thánh Thể (Eucharist)
Mầu nhiệm Thánh Thể nói lên Tình yêu tuyệt đối của Đức Giêsu và sự hy sinh của Người để cho muôn dân được nuôi sống. Sĩ tử DCCT cũng mong được bắt chước Thầy Cả trở nên phần nào lương thực cho mọi người, cách riêng những người nghèo khó tất bạt.
4. Đức Maria (Mary)
Chiều kích Maria không thể thiếu trong đời sống ơn gọi tận hiến, lại càng không thể vắng bóng trong sứ mạng của Dòng Chúa Cứu Thế. Từ thuở đầu, Cha Thánh Anphong đã chọn Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Bổn mạng cho toàn Dòng, và phó dâng sức sống và sứ mạng tương lai của Dòng trong ban tay từ mẫu của Mẹ. Biến cố Đức Giáo Hòang Piô IX trao linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho DCCT vào năm 1866 lại càng nói lên sự quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa và sự liên hệ chặt chẽ giữa DCCT và Đức Maria.
Đào Tạo
Ngay từ những năm đầu của lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, cùng với việc thiết lập Ðệ Tử Viện, Tập Viện dành cho các anh em dấn thân phục vụ Chúa Ki-tô và phục vụ người nghèo theo đặc sủng tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đã được tổ chức. Ngày 25-03-1929, Tập Viện được quyết định thành lập với cha Hubert Cousineau làm Tập Sư. Ngày 08-12-1929, tám anh em dấn thân theo đặc sủng tu sĩ thừa sai đã mặc áo vào Tập Viện. Trong số đó, 5 người sẽ tuyên khấn ngày 08-12-1930. Từ đây vẫn đều đều có những lớp tập sinh và khấn sinh.
Trong vòng hơn 30 năm, chương trình đào tạo các tu sĩ thừa sai, về căn bản, như sau: đào tạo thực tiễn trong giai đoạn thỉnh sinh; đào tạo tại Tập Viện; sau Tập Viện, hàng tuần sẽ có các giờ thường huấn do cha tuyên úy phụ trách.
Năm 1959, vấn đề chương trình đào tạo các tu sĩ thừa sai đã được đặt ra một cách nghiêm túc. Những anh em thỉnh sinh được đào tạo trong “Dự Tu Viện” đặt tại Nha Trang do cha An-tôn Nguyễn Văn Trung làm Giám Ðốc, với một chương trình đào tạo về trí thức và kỹ thuật khá hoàn chỉnh. Ðồng thời, Tỉnh Dòng cũng tổ chức các khoá học kéo dài chừng một tháng tại Ðà Lạt cho các thầy đã khấn, với chương trình gồm các giảng khoá về Kinh Thánh và giáo lý cần thiết và phù hợp. Riêng trong năm 1966, có hai khoá học như thế được tổ chức. Tuy nhiên, các kế hoạch đào tạo này đã không được thực hiện lâu dài. Dự Tu Viện đã ngưng hoạt động từ Lễ Phục Sinh năm 1964.
Vào cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, một chương trình đào tạo anh em tu sĩ thừa sai được đề nghị, nhằm mục tiêu canh tân việc đào tạo và đưa ra một hướng mới cho các hoạt động của các thành viên trong Tỉnh Dòng đang và sẽ dấn thân phục vụ trong đặc sủng tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế. Chương trình đã được bắt đầu thực hiện tại Ðà Lạt. Nhưng rồi thời cuộc đã không cho phép tiếp tục.
Sau ngày Ðất Nước thống nhất, công cuộc đào tạo các tu sĩ thừa sai hầu như không thể thực thi. Thực tế, cho đến năm 1994, không có sự phân biệt trong sự hướng dẫn các anh em trẻ dấn thân theo ơn gọi tu hành trong Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Tại Tập Viện niên khoá 1994-1995 mới có sự xác định đặc sủng riêng của một số anh em tập sinh theo hướng dấn thân phục vụ với tư cách tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế. Từ năm 1996, công tác đào tạo anh em tu sĩ thừa sai trẻ được thực hiện tại Tu Viện Mai Thôn. Từ năm 1996, Nhà Phú Dòng trở thành nơi đào tạo Dự Tập tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, phụ trách công tác đào tạo ban đầu cho các anh em dấn thân theo đặc sủng các Thầy. Ngày 20-08-1999, Tập Viện dành riêng cho anh em theo đặc sủng tu sĩ thừa sai đã được khai mạc tại Tu Viện Mai Thôn, với 4 tập sinh. Những anh em này cũng tu luyện dưới sự hướng dẫn của cha Tập Sư An-phong Phạm Gia Thụy, theo một số giảng khoá chung với các anh em tập sinh dấn thân theo đặc sủng linh mục thừa sai.
Mãn Tập Viện, các thầy sẽ tiếp tục được đào tạo về đời tu Dòng Chúa Cứu Thế tại Nhà Học tu sĩ thừa sai, đặt tại Nhà Mai Thôn. Ngoài ra, các thầy còn có thể theo học một chương trình đào tạo đại cương về triết lý, thần học và giáo lý chung với các sư huynh La-san tại Học Viện La-san Mai Thôn. Ðồng thời các thầy cũng được tạo điều kiện để theo học các lớp chuyên môn, đặc biệt về kỹ thuật, nhằm mục tiêu phục vụ hữu hiệu trong đặc sủng mà Chúa Cứu Thế dành riêng cho các Thầy trong gia đình Dòng Chúa Cứu Thế, theo nhu cầu của Tỉnh Dòng hoặc theo đề nghị của các cộng đoàn.
Theo Hiến Pháp, những anh em dấn thân phục vụ trong Dòng Chúa Cứu Thế theo đặc sủng tu sĩ thừa sai “phải được đào tạo theo một thể thức giúp họ có thể thấm nhuần mầu nhiệm Ðức Ki-tô một cách mật thiết và có thể tham gia đời sống của Nhà Dòng, vì tất cả mọi thành viên trong Dòng đều hướng về cùng một ơn gọi thừa sai, được thực hiện theo những nhiệm vụ riêng biệt. Những anh em dấn thân theo đặc sủng tu sĩ thừa sai cũng phải làm hết sức mình để đạt tới sự thành thạo về chuyên môn và về thừa tác vụ” (số 89).
Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo đó của Hiến Pháp. Cha Phao-lô Trần Văn Quang đang phụ trách công tác này.
Sứ vụ: Rao giảng Tin Mừng
Mục đích chính của Dòng Chúa Cứu Thế là rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô bằng các phương thức phổ biến như Ðại phúc, Cấm phòng, Tĩnh tâm. Sứ mạng rao giảng này được mở rộng bằng việc tông đồ báo chí, hầu có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều người sống ở phương xa. Tại Hoa Kỳ, Nguyệt san Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp hàng tháng cung cấp lương thực tinh thần cho hàng ngàn đồng hương trên khắp năm châu.
Sứ Mạng Truyền Giáo
Dòng Chúa Cứu Thế cũng đảm nhận việc truyền giáo cho lương dân tại Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La-Tinh. Hiện nay, tu sĩ của các Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ đang phục vụ tại các trung tâm truyền giáo ở Puerto Rico, Brazil, Paraguay, Thái-Lan và Nigeria. Tại Việt Nam, các địa sở truyền giáo cho đồng bào Thượng đã được thiết lập từ lâu tại Fyan (Tuyên Ðức) và Pleikly (Pleiku).
Hoạt Ðộng Tông Ðồ Chuyên Biệt
Nhiều tu sĩ DCCT phụ trách các hoạt động tông đồ đặc biệt như quản nhiệm các giáo xứ theo yêu cầu của các Giám mục sở tại, tông đồ cho người câm điếc, tật nguyền, tuyên úy cho người di dân. Hiện nay một số linh mục DCCT Việt Nam hải ngoại đang làm tuyên úy cho các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, cho trại tù và phục vụ các thanh niên không gia đình.
Cổ Võ Lòng Sùng Kính Ðức Mẹ
Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Mẹ Maria. Năm 1866 Ðức Thánh Cha Piô IX ký thác cho Dòng bức họa thời danh hay làm phép lạ, có tên “ÐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP”. Ngài truyền: “Hãy làm cho cả thế giới yêu mến Mẹ!”. Ngày nay, việc kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp thường được tổ chức hàng tuần tại các giáo xứ Mỹ cũng như tại các Ðền Ðức Mẹ trên toàn thế giới. Bên quê nhà, đền Ðức Mẹ tại Thái Hà Ấp (Hà Nội), Huế và Sài-Gòn là những trung tâm hành hương thân thuộc với đồng bào lương giáo Việt.
Chứng Nhân Anh Hùng
Có bốn tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã được tôn phong Hiển thánh, hai vị được tôn phong Á thánh và nhiều Ðấng đáng kính, với ơn Chúa, đang chờ ngày Giáo Hội vinh thăng hiển thánh. Những nhân chứng anh hùng của các bậc cha anh luôn là niềm hứng khởi, thúc đẩy thế hệ đàn em mạnh tiến.
Thánh AN-PHONG LIGUORI (1696-1787), Ðấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, là Tiến Sĩ Hội Thánh và là một trong những nhà thần học luân lý lừng danh nhất trong lịch sử Giáo Hội. Mối quan tâm đến phần rỗi các linh hồn cũng thúc đẩy ngài dấn thân vào việc tông đồ bằng ngòi bút. Tổng số tác phẩm của ngài lên đến 111 cuốn, bao gồm các lãnh vực luân lý, tín lý và tu đức.
Thánh CLÊMENTÊ HOFBAUER (1751-1820) là một linh mục quản xứ nhiệt thành, một tông đồ tận tình với người nghèo và cả giới sinh viên trí thức. Ngài có công quãng bá DCCT qua khỏi biên cương nước Ý năm 1785.
Thánh GIÊRAÐÔ MAJELLA (1726-1755) là một thầy đồng trợ thánh thiện. Giáo dân kính ngài như thánh bổn mạng các bà mẹ và hằng kêu cầu ngài những khi gặp gian nan. Ðặc biệt, Hội Bảo trợ Ơn gọi DCCT cũng đã nhận Ngài làm Thánh Quan Thầy của Hội.
Thánh GIOAN NEUMANN (1811-1860) là một thừa sai di cư từ Âu Châu sang Hoa Kỳ. Ngài là Giám mục địa phận Philadephia, Pennsylvania, và là người đầu tiên thiết lập hệ thống trường công giáo tại giáo xứ ở Hoa Kỳ.
Á Thánh GASPAR STANGASSINGER (1871-1899ønh trọn cuộc đời ngắn ngủi cho giới trẻ. Ngài được Ðức Gioan Phaolô II nâng lên hàng Á thánh ngày 24- 4-1988.
Cha PHANXICÔ SEELO (1819-1867) là một nhà truyền giáo không mệt mỏi tại Hoa Kỳ. Ngài tận tụy phục vụ bệnh nhân dịch sốt vàng tại New Orleans, Louisiana và cuối cùng đã qua đời vì nhiễm bệnh dịch này.
Nhìn Về Tương Lai
Cha Thánh An Phong từng nói tiên tri về tương lai Dòng Thánh: “Hãy tin chắc, Dòng sẽ tồn tại cho đến ngày tận thế, vì đây không phải là công việc của tôi mà là công việc của Chúa”. Hơn 250 năm qua, lớp lớp các tu sĩ Dòng đã đáp lại lời mời của Chúa Cứu Thế, trở nên những sứ giả của Tin Mừng. Bằng việc tuyên khấn đức Vâng phục, Khó nghèo và Khiết tịnh, và được nâng đỡ trong đời sống gia thất huynh đệ, các anh em tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đồng lao cộng tác xây dựng Nước Chúa.
Sống đời tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng cho những ai quảng đại chọn lối sống này, Chúa Giêsu đã hứa họ sẽ được gấp trăm ở đời này và hạnh phúc muôn đời với Ngài đời sau. Chân thành, trung thành và nhiệt thành, họ bước theo chân Chúa Cứu Thế, rao giảng Tin Mừng cứu rỗi cho muôn người.
Đăng nhận xét