Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội


Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội 

Để tiến tới chỗ trở thành nơi đào tạo vững chắc cho các linh mục tương lai của các giáo phận miền Bắc Việt Nam như ngày hôm nay, Đại Chủng Viện Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm. Có những giai đoạn bình an phát triển, có những ngày dài gian nan, ly tán: nay bị triệt hạ nơi này, mai lớn dậy ở nơi khác, luân chuyển đủ khắp bốn tỉnh trong địa bàn Giáo Phận. Đến năm 1973 mới định cư tại cơ sở hiện nay - số 40 phố Nhà Chung với tên gọi: Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội.

Tất cả từ Giám Mục bản quyền, Ban Giám Đốc đến chủng sinh đều yêu mến Chúa và tin tưởng Chúa là chủ lịch sử, Chúa luôn muốn và làm những điều tốt nhất cho chúng ta, những tông đồ tương lai của Chúa, nên ta phải vừa sử dụng vừa thích nghi mọi giây phút, hoàn cảnh, điều kiện Chúa ban để thăng tiến và thực hiện ơn gọi của mình một cách tốt nhất, nhằm đào luyện và tự đào luyện để trở nên những mục tử tốt lành như Chúa và Giáo Hội mong đợi . 

Sự hình thành và phát triển của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội có thể chia thành các giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn hình thành
Theo sử liệu, năm 1666, cha Francois Deydier (1637-1693) Tổng Đại Diện giáo phận Đàng Ngoài thiết lập Đại Chủng Viện đầu tiên tại Việt Nam. Cơ sở của Đại Chủng Viện chỉ là chiếc thuyền trôi nổi trên dòng sông Nhị Hà (sông Hồng). Bất chấp những khó khăn của buổi ban đầu, Đại Chủng Viện đã cho ra đời những hoa trái đầu tiên là cha Bênêdictô Hiền và cha Gioan Huệ.

Năm 1679, khi giáo phận Đàng Ngoài được tách thành hai giáo phận: giáo phận Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài, giáo phận Tây Đàng Ngoài đã xây dựng Đại ChủngViện tại Kẻ Non (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay). 

2. Giai đoạn củng cố và phát triển
Năm 1719, Đại Chủng Viện được chuyển về đặt cạnh Toà Giám Mục Kẻ Vĩnh (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay). Đại Chủng Viện nhận thánh Phêrô làm Đấng Bảo Trợ và có cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh làm giám đốc. Năm 1858, cùng với Toà Giám Mục, Đại Chủng Viện thánh Phêrô bị triệt phá bình địa.

Năm 1830, Tiểu Chủng Viện thánh Phêrô được xây dựng ở Hoàng Nguyên (thuộc tỉnh Hà Tây trước kia và nay thuộc thủ đô Hà Nội) có nhiệm vụ đào tạo các ứng sinh cho Đại Chủng Viện.

Năm 1862, Đức Cha Jeantet (Khiêm: 1858-1866) dời Toà Giám Mục về Kẻ Sở (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay), đồng thời cũng xây dựng Đại Chủng Viện tại đây.

Năm 1927, Đức Cha Gendreau (Đông: 1892-1935) khởi công xây dựng tràng tập tại Phố Nhà Chung bên cạnh Toà Giám Mục (đã được Đức Cha Puginier - Phước: 1868-1892, chuyển từ Kẻ Sở về đây năm 1886), với mục đích huấn luyện các ứng sinh cho Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên. Năm 1928, tràng tập đón 113 tập sinh. Đến năm 1947, do chiến tranh loạn lạc, Tràng Tập phải đóng cửa.

Năm 1932. Đại Chủng Viện Liễu Giai, do các cha Xuân Bích đảm trách được khởi công xây dựng. Năm 1934 cơ sở khánh thành và đón nhận 30 chủng sinh khoá I thuộc 5 giáo phận: Hà Nội, Hưng Hoá, Phát Diệm, Thanh Hoá và Vinh. Năm 1940, Chủng Viện đón 107 thày khoá II. Nhưng do biến động chính trị, trường phải tạm đóng cửa hai năm, từ 1948-1949, và đến năm 1954 thì đóng cửa hẳn.

3. Giai đoạn khủng hoảng (1954 - 1973)
Sau năm 1954, do biến động chính trị- xã hội các cơ sở đào tạo linh mục của Giáo Hội miền Bắc từng bước bị đóng cửa và giải tán.

Năm 1955, cơ sở Tràng Tập được sử dụng làm Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan. Tiểu Chủng Viện đón nhận 180 tập sinh, dưới sự hướng dẫn của cha Phaolô Phạm Đình Tụng. Đến năm 1960 trường cũng phải đóng cửa.

Trải qua những thời kỳ khó khăn, Ban Giám Đốc Chủng Viện luôn trung thành với Giáo hội. Năm 1960 Ban Giám đốc Chủng Viện Gioan thà chấp nhận chịu đóng cửa, chứ quyết không chịu để giáo viên do nhà nước chỉ định vào dạy học thuyết Mác Lê chống tôn giáo ở Chủng Viện.

Trên một thập niên (1960 -1973), trong toàn thể Giáo Hội Miền Bắc không có một chủng viện nào được chính thức hoạt động. Các chủng sinh phải trở về sống với gia đình, lao động sinh sống. Trong những năm này, ban giáo sư vẫn tiếp tục kín đáo giảng dạy những chủng sinh còn trung thành với ơn gọi linh mục. Đó là những chủng sinh có khả năng về trí thức, có điều kiện ở gần các cha giáo có thể đến thụ huấn, tuần hai buổi, từng nhóm nhỏ năm sáu người, đông nhất là mười người. Nhưng sau năm 1963 khi đức cha Phạm Năng Tĩnh giáo phận Bùi Chu truyền chức một lúc 29 linh mục mà không được sự đồng ý của nhà nước, thì tất cả chủng sinh toàn miền Bắc bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ, hầu như tất cả các chủng sinh mà chính quyền coi là có thể tiến lên chức linh mục được đều bị rà xét, một số cựu chủng sinh bị đưa đi tập trung cải tạo từ 7 đến 10 năm, có người phải ở trại cải tạo đến 19 năm, số còn lại phải làm việc kiếm sống và âm thầm theo đuổi ơn gọi, khi có điều kiện thì một mình kín đáo đến với các cha giáo mà thụ huấn. Sách vở phải giấu kín. Hàng năm vào ngày lễ thánh bổn mạng chủng viện và ngày giáp tết tất cả các chủng sinh về tập trung ở chủng viện mừng lễ và chúc tết bề trên nhằm giữ vững mối liên lạc với Ban Giám Đốc. Cứ ba bốn tháng một lần, họ lại đến cha xứ hoặc cha giáo và thỉnh thoảng đến Đức Cha cựu giám đốc tĩnh tâm một buổi để hâm nóng lại ơn gọi. Các bề trên luôn tìm cách gìn giữ và khuyến khích độâng viên ơn gọi nơi chủng sinh. Trong thời kỳ tiếp theo khi phần lớn các cha giáo cũng bị giam tù hoặc quản chế, chủng sinh đành giữ gìn ơn gọi và sống trong hy vọng, đồng thời tìm cách tự học.

4. Giai đoạn trưởng thành
Năm 1973, Tràng Tập xưa được mở cửa trở lại với danh hiệu mới: Đại Chủng Viện Thánh Giuse ( do Đức Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm Giám đốc).

Năm 1954 con số linh mục của giáo phận Hà Nội có khoảng 55; đến năm 1973 chỉ còn khoảng 25 vì các linh mục già yếu qua đời, mà không một linh mục nào mới được truyền chức. Số linh mục thiếu hụt trầm trọng, nhưng ngay cả khi cho phép mở lại chủng viện, Nhà Nước cũng chỉ đồng ý cho nhập trường rất ít chủng sinh. Chẳng hạn chỉ 12 người trong số các chủng sinh tiểu chủng viện thánh Gioan được Nhà Nước cho phép trở lại trường; bề trên Đại Chủng Viện cũng chỉ chọn 9 người.

Khoá I của Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội khai giảng với 9 chủng sinh và 3 giáo sư. Mặc dù con số chủng sinh và con số giảng viên thật nhỏ nhoi, nhưng một tương lai đầy hứa hẹn cũng đã mở ra. Ngày 26 tháng 6 năm 1977, 9 chủng sinh khoá I kết thúc khoá học và lãnh nhận tác vụ linh mục. Do hoàn cảnh xã hội, một lần nữa Đại Chủng Viện lại chìm vào trong chờ đợi và hy vọng.

Năm 1978-1980, có khoá hàm thụ cho 4 thày giảng về học và được thụ phong linh mục ngày 26 tháng 10 năm 1980.
Với chính sách mở cửa, tương lai Đại Chủng Viện trở nên tươi sáng hơn đôi chút. Khoá II (1981-1987) được mở lại sau những ngày chờ đợi và hy vọng. Đại Chủng Viện vui mừng đón nhận 18 chủng sinh của 3 giáo phận: Hà Nội, Hải Phòng và Thái Bình, dưới sự lãnh đạo của đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.

Năm 1987, có 3 thày là cựu chủng sinh tiểu chủng viện thánh Gioan về học hàm thụ và thụ phong linh mục ngày 25 tháng 3 năm 1993.

Với khoá III (1989-1995), gồm 56 chủng sinh thuộc 7 giáo phận miền Bắc, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội đã thực sự trở thành nơi đào tạo linh mục cho các giáo phận miền Bắc. Từ năm 1990, Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng thay thế Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang làm Giám đốc Đại Chủng Viện.

Lúc này, tình hình đã trở nên sáng sủa hơn. Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà nội đã được sinh hoạt đều đặn, chiêu sinh hai năm một khóa. Tuy vậy, số chủng sinh vẫn còn hạn chế, phần đông các ứngï sinh phải chờ đợi bằng cách vừa phục vụ tại các giáo xứ vừa học tập theo nhóm, theo hạt. Tóm lại, tùy hoàn cảnh cho phép mà sinh hoạt của chủng sinh trở nên chuyên sâu hay rộng rãi hơn như tham gia dạy giáo lý trẻ em và thiếu niên, giáo lý hôn nhân, tập hát trong ca đoàn hay sinh hoạt với học sinh, sinh viên v.v.

Khoá IV (1992- 1994) là khoá bổ túc thần học cho 35 học viên, trong số đó hầu hết là các cựu chủng sinh Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan.

Năm 1994-1995, có khoá bồi dưỡng cho 12 linh mục của giáo phận Bùi Chu (ra trường ngày 27-01-1995).

Khoá V (1994- 2001), Đại Chủng Viện đón nhận 62 chủng sinh thuộc 8 giáo phận miền Bắc. Khoá V đánh dấu thời kỳ đào tạo mới của Đại Chủng Viện: từ đây, chủng viện sẽ hai năm tuyển sinh một lần; kéo dài thời gian đào tạo tới 7 năm, có năm thực tập sau năm thần II.

Khoá VI (1996-2003) có 57 chủng sinh thuộc 8 giáo phận.
Khoá VII (1998-2005) có 52 chủng sinh thuộc 7 giáo phận.
Khoá VIII (2000-2007) có 62 chủng sinh thuộc 7 giáo phận.
Vào thời điểm hiện nay, Đại Chủng Viện đang có 6 khoá theo học:

Khoá IX (2002-2009), với 54 chủng sinh thuộc 7 giáo phận.
Khoá X (2004-2011), với 73 chủng sinh thuộc 8 giáo phận.
Đầu năm học 2005-2006, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội đã khánh thành cơ sở II, gọi là Nhà Đức Mẹ La Vang (16B-Cổ Nhuế- Từ Liêm- Hà Nội), đồng thời vui mừng đón nhận các chủng sinh khoá XI vào học.

Khoá XI (2005 – 2013), với 37 chủng sinh thuộc 8 giáo phận và 5 thày thuộc Tu Đoàn Truyền Tin. Khoá XI cũng là khóa đầu tiên áp dụng chính sách tuyển sinh hằng năm và chương trình đào tạo kéo dài 8 năm, trong đó năm đầu tiên được gọi là năm tu đức, nhằm giúp các chủng sinh làm quen với cách suy nghĩ và hành động không những của một ki tô hữu mà của một người được thánh hiến.

Khoá XII (2006-2014), với 49 chủng sinh thuộc 8 giáo phận và 2 thày thuộc Tu Đoàn Truyền Tin.

Khoá XIII (2007-2015), 49 chủng sinh thuộc 8 giáo phận.
Khoá XIV (2008-2016), 48 chủng sinh thuộc 8 giáo phận.

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua, từ ngày Tràng Tập hay tiểu chủng viện thánh Gioan được xây dựng cho tới nay, khi đã có được hai cơ sở cách nhau trên dưới 15 km cùng nằm trong địa bàn thành phố Hà Nội, một cho lớp tu đức và hai lớp triết học, một cho các lớp thần học, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội đã đón nhận và đào tạo trên 900 chủng sinh thuộc 8 giáo phận miền Bắc; trong số đó có 5 đấng đã và đang là chủ chăn của các giáo phận: Bắc Ninh, Hải Phòng, Phát Diệm, Lạng Sơn và Hà Nội; gần 400 linh mục; nhiều thày giảng đang kiên trung trong ơn gọi tận hiến. Trong số các linh mục ra trường, một số linh mục sau những năm tu nghiệp tại hải ngoại đã trở lại phục vụ trong Đại Chủng Viện.

5. Số linh mục đã được đào tạo tại Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội
- Khóa I: 9
- Năm 1978 – 1980: 4
- Khóa II: 17
- Khóa III: 44
- Khóa IV: 35
- Khóa V: 58
- Khóa VI: 54
- Khóa VII: 46
- Khóa VIII: 56

Có 5 cựu chủng sinh của Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội đã được tấn phong Giám mục: cố đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến, đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, đức cha Giuse Đặng Đức Ngân và đức cha phụ tá tổng giáo phận Hà Nội Laurensô Chu Văn Minh.

6. Ban Giám đốc Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội theo thời gian
Từ năm 1973 – 1977
Giám đốc: Đức hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn.
Phó giám đốc: Cha Giuse Trần Văn Mai. Cha Mai kiêm Giám học và quản lý Đại Chủng Viện.
Linh hướng: Cha Giuse Vũ Ngọc Bích.

Từ năm 1981 - 1989
Giám đốc: Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.
Phó giám đốc: Cha Gioan Đỗ Tông; cha Chính Tông kiêm giám học đại chủng viện.
Linh hướng: Cha Giuse Vũ Ngọc Bích.
Quản lý: Cha Phanxicô Nguyễn Quốc Khánh.

Từ năm 1989 – 2003
Giám đốc: Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (1989-1990); đức hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng.
Phó giám đốc: Cha Gioan Đỗ Tông, đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, cha Giuse Đặng Đức Ngân.
Giám học: Cha Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh, cha Giuse Đặng Đức Ngân (2000 - 2002), cha Laurensô Chu Văn Minh (2002-2003).
Linh hướng: Đức tổng giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cha Giuse Vũ Ngọc Bích, cha Giuse Phạm Gia Thụy, cha Giuse Phan Thiện Ân.
Quản lý: Cha Phanxicô Nguyễn Quốc Khánh, cha Giuse Nguyễn Khắc Quế và cha Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thuỷ.

Từ năm 2003 – 2005
Giám đốc: Đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt.
Phó giám đốc: Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, cha Laurensô Chu Văn Minh.
Giám học: Cha Laurensô Chu Văn Minh.
Linh hướng: Cha Giuse Phan Thiện Ân.
Quản lý: Cha Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thủy và cha Giuse Đào Hữu Thọ.

Từ năm 2005 đến nay 
Giám đốc: Cha Laurensô Chu Văn Minh.
Phó giám đốc: Cha Giuse Nguyễn Văn Diễm, cha Giuse Vũ Tất.
Giám học: cha Giuse Phạm Ngọc Khuê, rồi cha Phêrô Đặng Xuân Thành và cha Giuse Dương Hữu Tình (từ năm 2008).
Linh hướng: Cha Giuse Phan Thiện Ân và cha Cosma Hoàng Văn Đạt, rồi cha Micae Nguyễn Hữu Thu và cha Vinh-sơn Phạm Đình Khoan.
Đặc trách sinh hoạt: Cha Giuse Nguyễn Chấn Hưng (từ năm 2007).
Quản Lý : Cha Giuse Trần Viết Tiềm và cha Giuse Đỗ Mạnh Thái (từ năm 2009)

MỘT VÀI ĐỊNH HƯỚNG MỚI CHO NHỮNG NĂM SẮP TỚI
Nhằm đưa Đại Chủng Viện Hà Nội lên một tầm cao mới, cùng với các đại chủng viện khác tại Việt Nam, có thể đáp ứng những nhu cầu ngày càng nhiều và ngày càng phức tạp của Giáo Hội và xã hội, Ban Đào Tạo của Đại Chủng Viện đã tìm cách một đàng thiết lập nền móng cho mọi khía cạnh đào tạo, một đàng củng cố nền móng ấy bằng cách nâng cao, mở rộng hay đào sâu thêm.

- Thiết lập và củng cố nền móng cho việc đào tạo tâm linh bằng một năm tu đức cho các chủng sinh mới bước vào Đại Chủng Viện để các chủng sinh có được những nhận thức và tập quán tâm linh hết sức căn bản ; cao điểm của năm ấy là tháng tu đức, trong đó có tuần Linh Thao căn bản theo phương pháp thánh Inhaxiô ; đang nỗ lực tiến tới chỗ có đủ linh mục linh hướng ít là cho mỗi khối : khối tu đức, khối triết học, khối thần học căn bản và khối thần học sau cùng.

- Thiết lập và củng cố nền móng cho việc đào tạo mục vụ bằng cách tập cho chủng sinh biết quan sát và phân tích nhu cầu, biết chuẩn bị mình để đáp ứng và trên hết biết đồng cảm bằng một tâm hồn mục tử, trước khi tiến hành thử những hoạt động mục vụ cho các môi trường khác nhau, đồng thời biết lượng giá các nỗ lực mục vụ của mình cách trung thực, nhưng vẫn không quên giới hạn các hoạt động mục vụ do tính chất riêng của những năm đào tạo tại chủng viện.

- Thiết lập và củng cố nền móng cho việc đào tạo tri thức trước hết bằng cách tái lập lại trật tự trong chương trình học tập cho có hệ thống hợp lý và đồng điệu với chương trình học tập của các đại chủng viện khác tại Việt Nam, kế đó bằng cách nâng cao trình độ tri thức với đội ngũ giảng viên có năng lực hơn, với nội dung môn học cập nhật hơn và với phương pháp học tập tiến bộ hơn, có sự hỗ trợ là các sinh hoạt ngoại khóa như tăng cường các khóa học Anh Ngữ, sinh hoạt của câu lạc bộ dịch thuật, thuyết trình về một số đề tài như tìm hiểu các văn kiện mới nhất của Tòa Thánh, trình chiếu có bình luận các bộ phim tôn giáo giá trị, không kể việc cải tiến thư viện.

- Thiết lập và củng cố nền móng cho việc đào tạo nhân bản bằng cách bố trí các linh mục đồng hành với các chủng sinh mỗi lớp, tạo thêm cơ hội cho các sinh hoạt đạo đức mỗi lớp (thánh lễ và suy niệm theo lớp mỗi thứ sáu), trả lại quyền tự quản các sinh hoạt lớp và nhà trường cho các tổ và các lớp, gia tăng sự tự giác của mỗi chủng sinh về trật tự và kỷ luật trong chủng viện.

Tất cả những hướng đi này sẽ được thực hiện kết quả hơn, nếu có sự đồng thuận của mọi người trong Ban Đào Tạo và nhất là nếu có sự nhận thức đồng đều về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đào tạo. Ngoài ra, thiết lập được một Văn Phòng làm việc một cách khoa học và xuyên suốt hơn sẽ giúp không những quản lý các tư liệu cách chặt chẽ hơn, mà còn điều hành các sinh hoạt trong chủng viện cách nhịp nhàng hơn.

Tất cả đều nhằm đào tạo các mục tử càng ngày càng đúng như lòng Chúa mong ước và như lòng Mẹ Giáo Hộïi chờ đợi. 

Một số thư mục tham khảo
*Kỷ yếu các khóa: III, V, VI, VIII của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội.
*Lm. Bùi Đức Sinh-Op, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, Calgary-Canada 2002.
*Lm. Trần Phúc Long, 25 Giáo phận Việt Nam-Tập III, Costa Mesa, CA 92626, USA.
*Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Lịch sử địa phận Hà Nội 1626-1954, Paris 1994.
*Bản đề cương việc đào tạo tri thức tại Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội từ niên khóa 2008-2009.

Cập nhật và bổ sung bài viết của Ban Giám Đốc ĐCV Hà Nội ngày 20.12.2008
Ban Giám Đốc ĐCV Hà Nội (Theo Nhà Chung số 7)

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.