tháng 1 2016

13/2, anh đi Đà Lạt về mang theo 200 bông hồng xuất hiện ở nhà cô.
- Vậy là sao? - Cô tròn mắt.   
- Anh cần em giúp. Anh dự định ngày mai sẽ bán hoa.
- Sao lại là em?
- Em là người đầu tiên anh nghĩ tới.
- Vậy thôi à?  

Cô thất vọng nhưng vẫn không biểu lộ ra mặt. Sao không phải là anh với những đoá hoa lãng mạn dành riêng cho cô. Cô chợt phì cười vì cái ý nghĩ vừa mới thoáng qua của mình. Thậm chí nhận mình là một người bạn thân của anh, cô cũng không đủ tự tin nói như thế, huống chi là những bông hồng và ngày lễ tình nhân.

- Em giúp anh chứ? – Anh vẫn đang chờ câu trả lời của cô.
- Ừ!   
- Sao nhanh thế? Có điều kiện gì không đây?
- Không. Vì anh nói em là người đầu tiên anh nghĩ tới.Vậy thôi!

Sự thật là cô cảm tháy ấm lòng một chút vì câu nói ấy. Đưa mắt nhìn thùng hoa hồng khổng lồ nằm trong góc nhà, cô tự hỏi liệu những bông hoa nào anh sẽ nhờ cô kết thành một bó đặc biệt, vì ngày mai là ngày Valentine mà!

14/2. Cô dự định kết hoa thành năm giỏ hoa thật ấn tượng, số còn lại thì gói thành bó một hoa hoặc mười hoa. Suốt buổi sáng cô bắt anh chở đi vòng vòng thành phố tìm những chiếc giỏ thật lạ để kết hoa. Anh ngoan ngoãn như người anh chiều cô em gái bướng bỉnh, nhưng cô lại thích anh trong bộ dạng chàng trai tuân theo lệnh người yêu răm rắp. Điện thoại a reo, giọng con gái tíu tít đầu dây bên kia kéo cô về thực tại. Ừ, dù cô có đi bên cạnh anh cũng không thể làm mối quan hệ khác đi được.

Cô dồn hết tâm trí của mình vào năm giỏ hoa để không có thời gian nghĩ vẩn vơ nữa. Cô đặt tên cho ngững giỏ hoa đó là: Ngày dịu dàng, Lời thì thầm, Ánh trăng, Đêm ngọt ngào và Lặng lẽ.

- Sao cài giỏ này lại tên là Lặng lẽ thế em? –Anh tò mò.   
- Vì không chỉ có những người được yêu mới tận hưởng ngày Valentine. Những người yêu lặng lẽ cần có một ngày ngày lễ tình nhân riêng cho mình chứ.
- Vậy ai mua giỏ hoa này chắc hẳn là đang yêu mà chưa dám nói hả em? Hay nhỉ!
- Và người nhận giỏ hoa này sẽ biết rằng có ai đó đang yêu mình âm thầm.

Anh cười. Cô đã chọn bảy bông hồng màu xanh tím kết với đinh lăng và dương xỉ để tạo cho giỏ hoa nét hi vọng mong manh. Cô không nghĩ ai đó sẽ hiễu được ý nghĩa mà cô gửi trong đó vì nhìn chung thì nó mang một vẻ buồn buồn. Nhưng anh đặc biệt thích giỏ hoa này. Anh nói rằng nó rất lạ. Anh đặt nó trong góc khuất cứ như sợ người ta mua mất. Cô phì cười: “Anh buôn bán gì kỳ cục vậy!”. Nhưng cuối cùng chẳng có ai mua nó trong khi mọi thứ khác đều bán hết sạch. 

Ngập ngừng, anh đưa nó cho cô:
- Cảm ơn em đã giúp a từ sáng đến giờ, cái này thay cho lời cảm ơn của anh nhé!
- Hôm nay không phải ngày của e, em không nhận hoa hồng của anh đâu.

Nước mắt cô chực rơi xuống. Anh vô tâm thật. Tặng hoa hồng vào ngày Valentine nhưng không máng ý nghĩa tình yêu, với cô là một điều xót xa, huống chi người tặng lại là anh. Cô quay đi…

Cô không biết mình đã đi qua bao nhiêu con phố và lang thang trong bao lâu. Chỉ biết khi đặt chân về nhà thì đã quá nửa đêm. “Lặng lẽ” được đặt trước cửa nhà cô, rung rinh mỗi khi đợt gió lạnh thổi qua. Điện thoại báo tin nhắn: “Anh tặng hoa cho em không phải vì không ai mua nó, mà vì ý nghĩa của nó, em không nhớ đã giải thích gì cho anh sao?”.

- “Nhưng sao lại là em?”. Cô nhắn tin trả lời.
- “Vì em là người đầu tiên anh nghĩ tới!”.
14/02/2012
Picieo
Sưu tầm

(Hình ảnh: vnexpress.net)

Phải đẹp gái, không kiêu sa. Thích ở nhà, lo nội trợ.
Không cắc cớ chửi chồng con.
Không phấn son.
Không nhiều chuyện, không hà tiện.
Không càm ràm, phải siêng năng.
Không lười biếng, nói nhỏ tiếng.

Biết chiều chồng.
Giỏi nữ công và gia chánh.
Biết làm bánh, nấu ăn ngon.
Biết dạy con, ứng xử tốt.

Không quá dốt, không quá khôn.
Không ôm đồm, không ủy mị.
Không thiên vị, không cầu kỳ.
Không quá phì, không quá ốm.

Không dị hợm, không chanh chua.
Không se sua, không bẻm mép.
Không bép xép, không phàn nàn.
Không ăn hàng như cơm bữa.

Không "chỉnh sửa" khi chưa cho.
Không tò mò, không tọc mạch!
06/01/2012
Phonggis
Sưu tầm


Bài thơ này thấy rất ý nghĩa ^^, có thể là bí kíp để giữ gìn tình yêu, tình bạn hay bất kỳ mối quan hệ nào của cuộc sống. 

Khi yêu ai, chúng ta thường muốn người đó nên giống mình, giống với suy nghĩ của mình, muốn (bắt) người đó phải từ bỏ điều này, thay đổi điều kia mục đích là để ta vui lòng, ta hãnh diện vì đã thay đổi được người khác. Tuy nhiên, bài học rút ra là: tôn trọng sự khác biệt lại là bí quyết để gặp nhau, để đứng cạnh nhau, để ở cùng nhau. Chấp nhận sự khác biệt lại là cách để chúng ta xây dựng và nuôi dưỡng mọi mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống, đặc biệt là trong tình yêu đôi lứa. Sự khác biệt luôn mang lại sự phong phú, nhiều điều mới lạ và ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi chúng ta.

(Dù trình độ Anh văn cùi bắp nhưng vẫn xin mạo muội “mắc dịch” ra tiếng Việt để cả nhà cùng ngẫm. Nếu chém, xin nhẹ tay vì tuổi già ^^)

Different Drums and Different Drummers

If I do not want what you want,
Please try not to tell me that my want is wrong.
Or if I believe other than you,
at least pause before you correct my view.

Nếu em không thích những điều anh muốn,
Xin đừng cố nói với em rằng điều em muốn là sai trái.
Hay nếu em tin một điều gì đó khác với anh,
thì ít nhất hãy dừng lại trước khi chỉnh sửa quan điểm của em.

Or if my emotion is less than yours, or more, given the same circumstances,
Try not to ask me to feel more strongly or weakly.
Or yet if I act, or fail to act, in the manner of your design for action, let me be.

Nếu trong cùng một hoàn cảnh mà cảm xúc của em ít hơn hay nhiều hơn anh,
Thì đừng cố yêu cầu em phải mạnh mẽ hay tỏ ra yếu mềm.
Hoặc giả như em làm hay không làm theo cách mà anh đã phác họa, xin hãy để em tự nhiên.

I do not, for the moment at least, ask you to understand me.
That will come only when you are to give up changing me into a copy of you.

Em không yêu cầu anh phải hiểu em ngay trong lúc này.
Việc đó sẽ đến chỉ khi nào anh bỏ đi ý định biến đổi em thành một khuôn mẫu như anh.

I may be your spouse, your parent, your offspring, your friend, or your colleague.
If you will allow me any of my own wants, or emotions, or beliefs, or actions, then you open yourself,
So that some day these ways of mine might not seem so wrong,
And might finally appear to you as right - for me.

Em đây có thể là người tình, là cha mẹ, là hậu duệ, là con cái hay là cộng sự của anh.
Nếu anh để em được bày tỏ ý riêng, cảm xúc riêng, niềm tin riêng hay hành động theo cách của mình, thì khi đó anh đã cởi mở với chính anh,
Để đến một ngày kia những cách xử trí của em xem chừng không quá sai,
Và biết đâu cuối cùng lại có vẻ đúng với anh.

To put up with me is the first step to understanding me.
Not that you embrace my ways as right for you,
But that you are no longer irritated or disappointed
With me for my seeming waywardness.

Chịu đựng em chính là bước đầu để hiểu em.
Chịu đựng em không phải vì anh chấp nhận cách xử trí của em là đúng với anh,
Nhưng mà vì anh sẽ không còn khó chịu và bất mãn với em về vẻ điên rồ của em nữa.

And in understanding me you might come to prize my differences from you,
and, far from seeking to change me,
preserve and even nurture those differences.

Và khi đã hiểu được em, anh có thể đánh giá được sự khác biệt của em với anh, 
Anh sẽ không còn đi tìm cách để thay đổi em nữa mà sẽ duy trì và nuôi dưỡng sự khác biệt của hai đứa mình.

13/12/2011
David Keisey & Marilyn Bates 
Translated by Phamsy

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”
(Chế Lan Viên)

Hai câu thơ ấy chỉ có thể cảm nhận sâu sắc nhất đối với ai đã từng một lần sống xa quê hương. Khi xa quê, không chỉ “mảnh đất hoá tâm hồn” mà mỗi người còn tìm thấy nơi chốn ấy một điều gì đó đã hoá thành tâm hồn mình. Đó có thể là “bát canh rau muống”, “chén cà dầm tương”. Đó cũng có thể là “chùm khế ngọt” hay chiếc “cầu tre lắc lẻo”. Còn tôi, quê hương trong tôi là bức hoạ đồng quê mỗi buổi sớm mai, thanh bình và nên thơ.

Cả không gian tĩnh mịch đang chìm đắm trong giấc ngủ bỗng cựa mình tỉnh giấc ngay khi chú gà trống giương cổ cất tiếng gáy “Ò ó o o…”. Bộ lông óng mượt đầy màu sắc của chú ta rung lên như hoà theo tiếng gáy. Các chú côn trùng đang ẩn mình dưới lớp đất ẩm ướt cũng chào đón ngày mới bằng những tiếng kêu rả rích. Các bác họ hàng nhà ếch với chất giọng ồm ồm cũng không bỏ qua cơ hội góp vui bằng những tiếng kêu òm ọp, thoạt nghe có vẻ rờn rợn nhưng lại thất thú vị. Trận mưa đêm qua đã làm cho lớp đất khô cứng trở nên mềm mịn hơn, thanh âm dường như cũng trong hơn cứ như thể được điều chỉnh bằng bộ lọc âm thanh hiện đại nhất. 
Từ giữa các khe đất tơi xốp toả ra mùi đất ấm thơm nồng hoà quyện với hương vị lành lạnh, ngòn ngọt của khí trời tạo ra một vị rất riêng, nhẹ nhàng và khoan khoái. Hương vị ấy càng trở nên tuyệt vời khi được thưởng thức cùng với âm thanh rì rào của từng đợt sóng lăn tăn xô đẩy nhau rồi ập vào hàng lau hai bên bờ. Sông chính là nhịp cầu nối kết hai bên bờ, nhà với nhà, người với người, tạo nên nét lãng mạn rất riêng cho vùng sông nước quê tôi. Không chỉ ban sáng mà lúc nào cũng thế, sông rất hiền hoà, dịu êm chứ không dữ dội như biển cả. Đặc biệt, tôi thích đi dọc theo hai bên bờ trong những buổi sáng tinh sương vì không gian tĩnh mịch khiến tôi nghe được ngay cả mùi phù sa phảng phất từ giữa lòng sông.

Đâu đó trên cành cây, ngọn cỏ còn vương lại một vài giọt sương đêm. Sương cứ e ấp rung rinh theo làn gió thoảng. Ay vậy mà chỉ một hạt sương bé nhỏ thôi cũng đủ làm làm cho cây cỏ thêm mượt mà, uyển chuyển hơn. Trời mỗi lúc một sáng! Làn sương mờ ảo mọi khi hôm nay cũng bị cơn mưa làm tan biến thật nhanh, trả lại cho nền trời sắc trong xanh vốn có. Nhưng sắc xanh ấy dần bị hoà quyện vào sắc vàng óng hắt ra từ phía đằng Đông nơi ông mặt trời đang ló rạng. Mặt trời lên đẩy lui vầng trăng và các vì sao vào không gian vô tận. Cảnh sắc cũng đang thay đổi dần.

Văng vẳng giữa khoảng không gian rộng lớn tiếng í ới của cô hàng rau, tiếng lạch cạch của chiếc bàn đạp đã lâu đời. Các cô cậu học trò đi học sớm cũng râm ran, huyên thuyên chuyện trò. Khói bếp từ các ngôi nhà bốc lên nghi ngút. Mọi người đã bắt tay vào một ngày mới…

Từ phía hành lang, tôi đưa mắt nhìn cảnh vật còn đang chìm trong giấc ngủ. Ít phút nữa thôi, một buổi bình minh sẽ bắt đầu nhưng không phải là bức hoạ đồng quê. Tôi xa nhà đã hơn năm năm nhưng khung cảnh bình minh nơi làng quê vẫn còn in đậm trong tâm trí. Tôi nghe thoang thoảng mùi đất ấm thơm nồng quyện với vị thanh ngọt của khí trời…
08/11/2011
MAP

Bình luận:
Quê bạn đẹp giống y như quê mình...... (mà quê bạn là ở đâu nhỉ???) Bài viết hay lắm, gởi lên báo mực tím là thế nào cũng được đăng cho coi.
New Hope
Đọc xong thấy nhớ quê mình quá đi mất! Mình xa quê 17 năm rồi, quê mình cũng yên bình và nên thơ nữa! hức hức... Mà ai thế nhỉ? công nhận Thiên Ân nhà mình nhiều nhân tài thật! Viết hay quá!
Rùa Con
Quê là gốc rễ của mọi hi vọng và sự sống của mỗi tâm hồn!
Breakdance Boy
Công nhận bài này mượt thật, trên cả tuyệt vời. E ngưỡng mộ lắm lun, hiếm khi nào e đọc lại cái gì lần thứ 2 lắm.vậy mà e đọc bài này đến 2 lần đó. E nhớ bầu trời đầy sao trên nóc nhà e quá, sao trời ở đây chẳng có sao gì cả, ngày nào cũng đếm được có vài ông (nhưng sao lại gọi là ông sao chứ không phải bà sao?). Em nhớ, em thèm cảm giác lạnh với cảm giác ấm, ở đây chỉ có nóng với mát thôi. Cảm ơn anh/chị MAP nào đó cho e một chút hồi tưởng về quê hương, chắc mai mốt anh/chị làm nhà văn được ak.

Little Angel


Tình thương sâu đậm thường bắt đầu từ những điều bình dị, bình dị đến nỗi nhiều khi ta vô tâm không nhận ra.

Con không nhớ mẹ có ru con không, lúc ấy con còn bé quá. Con cũng không nhớ mẹ có đọc thơ cho con nghe không, hình như chưa bao giờ. Nhưng...

Con nhớ lần mẹ chở con đi bằng xe đạp, con cho chân vào bánh xe… Rồi cái sẹo ở tay là hôm mẹ và con ăn bơ dầm đường. Mẹ bảo con đem ly ra thau để rửa, nhưng con vướng cái bậc đá ngay cửa, ngã và mảnh thủy tinh đâm vào tay chảy máu…

Con lại nhớ cái nhà cũ của mình, mỗi khi trời mưa là đọng nước ở sân, phải kê mấy viên gạch để làm đường đi vào nhà. Con rất thích nhảy lò cò trên đó, dù mẹ dặn bao lần trơn lắm, ngã một cái là gãy răng.

Hôm đó, trời mưa nên không còn nhiều quần áo cho con mặc. Mẹ bảo con mặc quần soọc nhưng con nhất quyết không chịu. Con mặc cái quần một ống, hai chân chụm lại nhảy loi nhoi lên mấy viên gạch, và… té oạch. Lần đầu tiên con thấy mẹ bực như vậy, mẹ đánh con hằn dấu roi, rồi lôi ra giếng tắm rửa, thay quần áo. Con đâu biết tối đó, khi con ngủ thì mẹ khóc, len lén xoa dầu trên vết roi cho con.

Lúc bé, con nghĩ mẹ không thương con bằng em, vì cái gì mẹ cũng dành hết cho em. Bố đi làm toàn dắt con đi theo, còn em được ở nhà với mẹ. Khi bắt đầu vào tuổi “ngông nghênh”, nhiều lúc con nghĩ rằng mẹ không hiểu con, mẹ la mắng con mà không nhìn thấy những gì con cố gắng. Có những lúc con bực mình vì mẹ cứ coi con như con nít. Con đã nghĩ mai kia con sẽ không giống mẹ, con sẽ không la con của con như mẹ, con sẽ nói chuyện nhiều với nó, sẽ khen nó…

Nhưng con cũng nhớ những lúc yên bình nhất là khi con có mẹ. Con đi đâu, con làm gì đều có mẹ lo lắng, chuẩn bị chu đáo. Con rất thích nằm trên giường, nhìn mẹ khâu vá, thêu thùa hay làm cái gì đó cũng được, miễn là khi chơi con luôn luôn nhìn thấy mẹ. Con thường nghịch với đôi chân đặc biệt như mẹ - đôi chân có nhiều “đồng hồ”. Sau này con mới biết đó là những vết sẹo, vì ngày xưa mẹ xe chỉ đan võng quá nhiều.

Thế rồi con lớn.

Con nhận ra mẹ cũng bình thường với những điểm mạnh và yếu như tất cả những người phụ nữ khác. Nhưng mẹ thật sự là một người mẹ vĩ đại đối với con. Khi hiểu ra những gì mẹ đã làm, đã nghĩ cho con, con thấy mình thật hạnh phúc vì là con của mẹ.

Cũng từ lúc lớn, con nhận ra mình là một bản sao của mẹ, dù con không hề chủ đích như vậy. Con ngạc nhiên lắm, không hiểu từ lúc nào mà con giống mẹ đến thế, kể cả tính độc lập, kể cả cái điều hay nghĩ ngợi. Lúc ấy con mới hiểu rằng mẹ là người ảnh hưởng nhiều nhất đến con, một cách tự nhiên mà sâu đậm vô cùng. Con thấy tự hào vì điều đó.

Thời gian không cho phép người ta trẻ mãi, mẹ lại sắp thêm một tuổi rồi. Con chuẩn bị bước vào đời, còn mẹ đã bước qua dốc bên kia của cuộc đời. Con có nhiều cảm xúc, kể cả những nỗi lo sợ mơ hồ. Nhưng lúc này, con chỉ muốn nói một điều thôi: Con thương mẹ lắm!

Con vững vàng vì con biết mỗi khi mỏi mệt hay cần một nơi trú ẩn, mẹ luôn là bến bờ bình yên của con - cánh cửa không bao giờ khóa.


“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”

Đinh Thị Thanh Ngọc


Bình Luận:
Mẹ... mãi mãi là người phụ nữ cho con nhiều hạnh phúc nhất!!! Con cám ơn mẹ!Breakdance Boy
Đọc bài này e cũng nhớ mẹ ghê, nhưng mà không khóc nữa. vài bữa thi xong e được về nhà rồi. cứ nghĩ đến lúc đó thui là hạnh phúc như đi trên mây. Hồi trước em nghĩ người mẹ nào cũng tuyệt vời như vậy thui mà,tình mẫu tử ca tụng hoài không chán, nhưng rồi sống thêm, lớn thêm, e gặp một vài trường hợp ngoại lệ, e mới hiểu không phải người mẹ nào cũng thương con... như mẹ em. May mắn làm sao e được làm con của mẹ. Mẹ lúc nào cũng chiều em hết. e đòi về mẹ kiu ở lại lo học đi, vậy mà e thuyết phục một hồi mẹ đổi ý ngay. Mẹ không cho e đi Vũng Tàu ăn đám cưới nhà chị Dương, em năn nỉ một hồi mẹ cũng chiều. Mẹ đúng là số 1 một người mẹ đã đủ cho em nhìn vào mà phấn đấu suốt cả cuộc đời.Little Angel

Mẹ: Con hãy nhớ rằng mẹ luôn yêu con nhất trên đời, nhưng mẹ có thể sẽ không phải là người được con yêu nhất!Con gái: Mẹ, sao thế hả mẹ?Mẹ: Vì người con sẽ yêu nhất đó chính là con của con sau này.Hix, mình nhớ đại loại như thế, đọc hay nghe đâu đó, í nó là vậy.Quốc Bảo



09/11/2011
Ty Gôn

Gởi đến mọi người một truyện ngắn thật ý nghĩa viết về tình cảm của người con trai dành cho bố. 

DÁNG LƯNG
"Chu Tự Thanh"

Bố con tôi không gặp lại nhau có đến hơn hai năm nay. Tôi không tài nào quên được bóng dáng cái lưng của ông.

Một ngày mùa đông năm nọ, bà nội tôi lìa đời, chỗ làm của bố tôi cũng đã bị trao cho người khác, thật đúng là một ngày họa vô đơn chí. Tôi rời Bắc Kinh đi Từ Châu định cùng bố tôi về lo tang lễ. Ðến Từ Châu, tôi gặp lại bố, thấy khắp khu nhà, mọi thứ bề bộn ngổn ngang, lại làm tôi nhớ bà nội, nước mắt tuôn lã chã. Bố tôi bảo: "Chuyện đã như vậy, con đừng nên quá xót xa, cũng may mà trời không nỡ dứt lối con người!"

Về nhà, bán chác cầm cố hết mọi thứ, bố tôi trắng tay. Lại còn phải xoay tiền lo liệu tang lễ nữa. Mấy ngày ấy, quang cảnh trong nhà thật thảm đạm, một phần vì lo việc tang một phần vì bố tôi lâm cảnh vô công rỗi nghề. Khi tang sự xong xuôi, bố tôi phải đi Nam Kinh kiếm việc, còn tôi phải về lại Bắc Kinh lo học hành. Chúng tôi bèn cùng lên đường.

Ðến Nam Kinh, bạn bè chèo kéo đi chơi đây đó, cầm chân hết một ngày, sáng hôm sau tôi phải lên đò đi Phố Khẩu, buổi chiều đáp xe về phương Bắc. Bố tôi bận việc, bảo là không đi tiễn tôi nên gọi một anh bồi bàn thạo việc đưa tôi đi. Ông dặn đi dặn lại anh ta thật tỉ mỉ nhưng rốt cuộc vẫn sợ anh ta sơ suất nên có chút trù trừ. Thật ra tôi đã hai mươi tuổi, lui tới Bắc Kinh cũng đã vài ba lần rồi nên chuyến đi đó cũng chẳng có gì căng lắm, thế nhưng ông trù trừ một lúc, cuối cùng lại quyết định đích thân đưa tôi đi. Tôi đã mấy lần can ông chẳng cần gì phải thế, nhưng ông vẫn nằng nặc: "Không sao đâu, giao người khác không xong".

Chúng tôi qua đò rồi thẳng tới nhà ga. Tôi lo mua vé còn ông trông nom việc dời hành lý. Hành lý khá nhiều nên phải trả ngoại chút ít cước phí cho đám phu bốc vác mới đi thoát. Lúc ông đang kỳ kèo mặc cả, tôi thấy mình phải trổ tài vì ông nói năng hơi kém trôi chảy, mình không ra mặt góp lời e chuyện không xong. Thế nhưng cuối cùng ông cũng trả tiền xong rồi đưa tôi lên xe. Ông chọn cho tôi chỗ gần cửa. Tôi trải chiếc áo lông màu tím lên chỗ ngồi. Ông dặn tôi dọc đường phải để ý để tứ mọi việc, ban đêm phải tỉnh táo cảnh giác, giữ đừng để cảm lạnh. Ông lại gửi gắm tôi cho người bồi phòng trà trông nom. Tôi thầm cười ông nghĩ ngợi viển vông, với họ chỉ biết có tiền, gởi gắm kiểu ấy cầm bằng gởi không. Vả lại tôi lớn ngần nầy, chẳng lẽ không tự lo liệu cho mình được hay sao? Giờ đây nghĩ lại, bấy giờ tôi thật là thông minh!

Tôi bảo: "Bố về đi, bố ạ!" Ông bước ra khỏi toa xe, nhìn lướt một vòng rồi nói "Bố đi mua mấy quả quít đây. Con ngồi đấy, đừng đi đâu nhé!" Tôi thấy ở hiên sân ga có mấy người bán hàng đang mong khách. Ðến sân ga, còn phải băng qua đường ray, rồi nhảy xuống, lại leo lên. Bố tôi bụng đã hơi phệ nên đi như thế khá nhọc, tôi vốn đã đòi đi nhưng ông không cho, đành phải nhường cho ông đi vậy. Tôi nhìn theo, ông đội chiếc mũ vải đen, mặc chiếc áo chẽn đen rộng phủ ngoài chiếc áo bông dài xanh thẫm, thất thểu bước về phía đường ray, ông tụt xuống chầm chậm không khó khăn mấy. Nhưng ông còn phải băng qua đường ray, lại phải trèo lên sân ga, chẳng phải là chuyện dễ dàng. Ông giơ cao hai tay bấu lấy mặt sân, co hai chân đu lên, lách cái bụng bự nhích qua một tí rồi cố sức trườn lên. Bấy giờ tôi thấy rõ dáng lưng của ông, nước mắt tôi trào ra rất nhanh, tôi vội lau đi, sợ ông nhìn thấy, mà cũng sợ người ta nhìn thấy nữa.

Lúc tôi nhìn lại ra ngoài, thấy ông đã ôm về bọc quít màu son đỏ đi qua chỗ đường ray. Tôi vội bước ra khỏi xe chạy xuống đón ông. Ông với tôi cùng trở về toa xe, đặt bọc quít lên chỗ trải chiếc áo da rồi phủi phủi chỗ đất bụi bám trên áo, cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn ra. Một lát sau tôi nói: "Con đi bố nhé! Ðến đấy con sẽ viết thư về ạ!"

Tôi nhìn theo ông rời toa xe. Ông đã đi được mấy bước, quay đầu nhìn tôi, bảo: "Con vào đi! Bên trong không có ai." Ðợi cho dáng lưng của ông lẫn vào đám người qua qua lại lại, không còn nhận ra nữa, tôi bèn quay về chỗ, nước mắt tôi lại ứa ra.

Mấy năm gần đây, bố con tôi đều bận rộn ngược xuôi. Cảnh nhà mỗi ngày mỗi sa sút. Ông đã ra đi kiếm sống từ thời trai trẻ, một mình gồng chịu gánh nặng gia đình và cũng đã làm được không ít điều to tát, dè đâu về già suy sụp đến thế! Trông ông thật đau lòng, nỗi niềm chẳng dễ gì nguôi khuây mà cứ dồn nén mãi vào trong, tất nhiên phải bung ra ngoài. Những chuyện vặt vãnh trong nhà thường chạm vào nỗi bực dọc của ông. Ông đối xử với tôi dần dà không như ngày trước, chỉ vì hai năm nay không gặp nhau nên rốt cuộc ông đã quên sạch những lỗi lầm của tôi mà chỉ còn nhớ nhung tôi và các con thôi

Sau khi tôi trở lại Bắc Kinh, ông có gởi cho tôi một bức thư, trong đó có câu: "Bố vẫn bình yên, chỉ có hai cánh tay đau nhức quá thể, cầm đũa cầm bút cũng đều bất tiện, có lẽ ngày hẹn của chuyến đi lớn không còn xa vậy" Ðọc đến đây, tôi như thấy rõ trong những giọt lệ mình đang sáng lên dáng lưng của cái bụng bề thế, chiếc áo dài bông vải nhuộm xanh cùng chiếc áo chẽn vải đen. Ôi! biết bao giờ bố con tôi mới gặp lại nhau đây!
Con dù lớn bao nhiêu, trong mắt bố mẹ con vẫn luôn bé bỏng và cần được chăm sóc. Con càng lớn, trong mắt con bố mẹ trở nên cổ hủ, hành động của bố mẹ đôi khi thật phiền phức, và đôi khi con thấy mình hiểu biết nhiều hơn bố mẹ nữa. Nhưng bố mẹ giúp con nhận ra con đã sai… bằng cách yêu thương con vô bờ bến và hi sinh tất cả để con được như hôm nay. Con thương bố mẹ!


Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội 

Để tiến tới chỗ trở thành nơi đào tạo vững chắc cho các linh mục tương lai của các giáo phận miền Bắc Việt Nam như ngày hôm nay, Đại Chủng Viện Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm. Có những giai đoạn bình an phát triển, có những ngày dài gian nan, ly tán: nay bị triệt hạ nơi này, mai lớn dậy ở nơi khác, luân chuyển đủ khắp bốn tỉnh trong địa bàn Giáo Phận. Đến năm 1973 mới định cư tại cơ sở hiện nay - số 40 phố Nhà Chung với tên gọi: Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội.

Tất cả từ Giám Mục bản quyền, Ban Giám Đốc đến chủng sinh đều yêu mến Chúa và tin tưởng Chúa là chủ lịch sử, Chúa luôn muốn và làm những điều tốt nhất cho chúng ta, những tông đồ tương lai của Chúa, nên ta phải vừa sử dụng vừa thích nghi mọi giây phút, hoàn cảnh, điều kiện Chúa ban để thăng tiến và thực hiện ơn gọi của mình một cách tốt nhất, nhằm đào luyện và tự đào luyện để trở nên những mục tử tốt lành như Chúa và Giáo Hội mong đợi . 

Sự hình thành và phát triển của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội có thể chia thành các giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn hình thành
Theo sử liệu, năm 1666, cha Francois Deydier (1637-1693) Tổng Đại Diện giáo phận Đàng Ngoài thiết lập Đại Chủng Viện đầu tiên tại Việt Nam. Cơ sở của Đại Chủng Viện chỉ là chiếc thuyền trôi nổi trên dòng sông Nhị Hà (sông Hồng). Bất chấp những khó khăn của buổi ban đầu, Đại Chủng Viện đã cho ra đời những hoa trái đầu tiên là cha Bênêdictô Hiền và cha Gioan Huệ.

Năm 1679, khi giáo phận Đàng Ngoài được tách thành hai giáo phận: giáo phận Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài, giáo phận Tây Đàng Ngoài đã xây dựng Đại ChủngViện tại Kẻ Non (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay). 

2. Giai đoạn củng cố và phát triển
Năm 1719, Đại Chủng Viện được chuyển về đặt cạnh Toà Giám Mục Kẻ Vĩnh (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay). Đại Chủng Viện nhận thánh Phêrô làm Đấng Bảo Trợ và có cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh làm giám đốc. Năm 1858, cùng với Toà Giám Mục, Đại Chủng Viện thánh Phêrô bị triệt phá bình địa.

Năm 1830, Tiểu Chủng Viện thánh Phêrô được xây dựng ở Hoàng Nguyên (thuộc tỉnh Hà Tây trước kia và nay thuộc thủ đô Hà Nội) có nhiệm vụ đào tạo các ứng sinh cho Đại Chủng Viện.

Năm 1862, Đức Cha Jeantet (Khiêm: 1858-1866) dời Toà Giám Mục về Kẻ Sở (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay), đồng thời cũng xây dựng Đại Chủng Viện tại đây.

Năm 1927, Đức Cha Gendreau (Đông: 1892-1935) khởi công xây dựng tràng tập tại Phố Nhà Chung bên cạnh Toà Giám Mục (đã được Đức Cha Puginier - Phước: 1868-1892, chuyển từ Kẻ Sở về đây năm 1886), với mục đích huấn luyện các ứng sinh cho Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên. Năm 1928, tràng tập đón 113 tập sinh. Đến năm 1947, do chiến tranh loạn lạc, Tràng Tập phải đóng cửa.

Năm 1932. Đại Chủng Viện Liễu Giai, do các cha Xuân Bích đảm trách được khởi công xây dựng. Năm 1934 cơ sở khánh thành và đón nhận 30 chủng sinh khoá I thuộc 5 giáo phận: Hà Nội, Hưng Hoá, Phát Diệm, Thanh Hoá và Vinh. Năm 1940, Chủng Viện đón 107 thày khoá II. Nhưng do biến động chính trị, trường phải tạm đóng cửa hai năm, từ 1948-1949, và đến năm 1954 thì đóng cửa hẳn.

3. Giai đoạn khủng hoảng (1954 - 1973)
Sau năm 1954, do biến động chính trị- xã hội các cơ sở đào tạo linh mục của Giáo Hội miền Bắc từng bước bị đóng cửa và giải tán.

Năm 1955, cơ sở Tràng Tập được sử dụng làm Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan. Tiểu Chủng Viện đón nhận 180 tập sinh, dưới sự hướng dẫn của cha Phaolô Phạm Đình Tụng. Đến năm 1960 trường cũng phải đóng cửa.

Trải qua những thời kỳ khó khăn, Ban Giám Đốc Chủng Viện luôn trung thành với Giáo hội. Năm 1960 Ban Giám đốc Chủng Viện Gioan thà chấp nhận chịu đóng cửa, chứ quyết không chịu để giáo viên do nhà nước chỉ định vào dạy học thuyết Mác Lê chống tôn giáo ở Chủng Viện.

Trên một thập niên (1960 -1973), trong toàn thể Giáo Hội Miền Bắc không có một chủng viện nào được chính thức hoạt động. Các chủng sinh phải trở về sống với gia đình, lao động sinh sống. Trong những năm này, ban giáo sư vẫn tiếp tục kín đáo giảng dạy những chủng sinh còn trung thành với ơn gọi linh mục. Đó là những chủng sinh có khả năng về trí thức, có điều kiện ở gần các cha giáo có thể đến thụ huấn, tuần hai buổi, từng nhóm nhỏ năm sáu người, đông nhất là mười người. Nhưng sau năm 1963 khi đức cha Phạm Năng Tĩnh giáo phận Bùi Chu truyền chức một lúc 29 linh mục mà không được sự đồng ý của nhà nước, thì tất cả chủng sinh toàn miền Bắc bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ, hầu như tất cả các chủng sinh mà chính quyền coi là có thể tiến lên chức linh mục được đều bị rà xét, một số cựu chủng sinh bị đưa đi tập trung cải tạo từ 7 đến 10 năm, có người phải ở trại cải tạo đến 19 năm, số còn lại phải làm việc kiếm sống và âm thầm theo đuổi ơn gọi, khi có điều kiện thì một mình kín đáo đến với các cha giáo mà thụ huấn. Sách vở phải giấu kín. Hàng năm vào ngày lễ thánh bổn mạng chủng viện và ngày giáp tết tất cả các chủng sinh về tập trung ở chủng viện mừng lễ và chúc tết bề trên nhằm giữ vững mối liên lạc với Ban Giám Đốc. Cứ ba bốn tháng một lần, họ lại đến cha xứ hoặc cha giáo và thỉnh thoảng đến Đức Cha cựu giám đốc tĩnh tâm một buổi để hâm nóng lại ơn gọi. Các bề trên luôn tìm cách gìn giữ và khuyến khích độâng viên ơn gọi nơi chủng sinh. Trong thời kỳ tiếp theo khi phần lớn các cha giáo cũng bị giam tù hoặc quản chế, chủng sinh đành giữ gìn ơn gọi và sống trong hy vọng, đồng thời tìm cách tự học.

4. Giai đoạn trưởng thành
Năm 1973, Tràng Tập xưa được mở cửa trở lại với danh hiệu mới: Đại Chủng Viện Thánh Giuse ( do Đức Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm Giám đốc).

Năm 1954 con số linh mục của giáo phận Hà Nội có khoảng 55; đến năm 1973 chỉ còn khoảng 25 vì các linh mục già yếu qua đời, mà không một linh mục nào mới được truyền chức. Số linh mục thiếu hụt trầm trọng, nhưng ngay cả khi cho phép mở lại chủng viện, Nhà Nước cũng chỉ đồng ý cho nhập trường rất ít chủng sinh. Chẳng hạn chỉ 12 người trong số các chủng sinh tiểu chủng viện thánh Gioan được Nhà Nước cho phép trở lại trường; bề trên Đại Chủng Viện cũng chỉ chọn 9 người.

Khoá I của Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội khai giảng với 9 chủng sinh và 3 giáo sư. Mặc dù con số chủng sinh và con số giảng viên thật nhỏ nhoi, nhưng một tương lai đầy hứa hẹn cũng đã mở ra. Ngày 26 tháng 6 năm 1977, 9 chủng sinh khoá I kết thúc khoá học và lãnh nhận tác vụ linh mục. Do hoàn cảnh xã hội, một lần nữa Đại Chủng Viện lại chìm vào trong chờ đợi và hy vọng.

Năm 1978-1980, có khoá hàm thụ cho 4 thày giảng về học và được thụ phong linh mục ngày 26 tháng 10 năm 1980.
Với chính sách mở cửa, tương lai Đại Chủng Viện trở nên tươi sáng hơn đôi chút. Khoá II (1981-1987) được mở lại sau những ngày chờ đợi và hy vọng. Đại Chủng Viện vui mừng đón nhận 18 chủng sinh của 3 giáo phận: Hà Nội, Hải Phòng và Thái Bình, dưới sự lãnh đạo của đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.

Năm 1987, có 3 thày là cựu chủng sinh tiểu chủng viện thánh Gioan về học hàm thụ và thụ phong linh mục ngày 25 tháng 3 năm 1993.

Với khoá III (1989-1995), gồm 56 chủng sinh thuộc 7 giáo phận miền Bắc, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội đã thực sự trở thành nơi đào tạo linh mục cho các giáo phận miền Bắc. Từ năm 1990, Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng thay thế Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang làm Giám đốc Đại Chủng Viện.

Lúc này, tình hình đã trở nên sáng sủa hơn. Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà nội đã được sinh hoạt đều đặn, chiêu sinh hai năm một khóa. Tuy vậy, số chủng sinh vẫn còn hạn chế, phần đông các ứngï sinh phải chờ đợi bằng cách vừa phục vụ tại các giáo xứ vừa học tập theo nhóm, theo hạt. Tóm lại, tùy hoàn cảnh cho phép mà sinh hoạt của chủng sinh trở nên chuyên sâu hay rộng rãi hơn như tham gia dạy giáo lý trẻ em và thiếu niên, giáo lý hôn nhân, tập hát trong ca đoàn hay sinh hoạt với học sinh, sinh viên v.v.

Khoá IV (1992- 1994) là khoá bổ túc thần học cho 35 học viên, trong số đó hầu hết là các cựu chủng sinh Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan.

Năm 1994-1995, có khoá bồi dưỡng cho 12 linh mục của giáo phận Bùi Chu (ra trường ngày 27-01-1995).

Khoá V (1994- 2001), Đại Chủng Viện đón nhận 62 chủng sinh thuộc 8 giáo phận miền Bắc. Khoá V đánh dấu thời kỳ đào tạo mới của Đại Chủng Viện: từ đây, chủng viện sẽ hai năm tuyển sinh một lần; kéo dài thời gian đào tạo tới 7 năm, có năm thực tập sau năm thần II.

Khoá VI (1996-2003) có 57 chủng sinh thuộc 8 giáo phận.
Khoá VII (1998-2005) có 52 chủng sinh thuộc 7 giáo phận.
Khoá VIII (2000-2007) có 62 chủng sinh thuộc 7 giáo phận.
Vào thời điểm hiện nay, Đại Chủng Viện đang có 6 khoá theo học:

Khoá IX (2002-2009), với 54 chủng sinh thuộc 7 giáo phận.
Khoá X (2004-2011), với 73 chủng sinh thuộc 8 giáo phận.
Đầu năm học 2005-2006, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội đã khánh thành cơ sở II, gọi là Nhà Đức Mẹ La Vang (16B-Cổ Nhuế- Từ Liêm- Hà Nội), đồng thời vui mừng đón nhận các chủng sinh khoá XI vào học.

Khoá XI (2005 – 2013), với 37 chủng sinh thuộc 8 giáo phận và 5 thày thuộc Tu Đoàn Truyền Tin. Khoá XI cũng là khóa đầu tiên áp dụng chính sách tuyển sinh hằng năm và chương trình đào tạo kéo dài 8 năm, trong đó năm đầu tiên được gọi là năm tu đức, nhằm giúp các chủng sinh làm quen với cách suy nghĩ và hành động không những của một ki tô hữu mà của một người được thánh hiến.

Khoá XII (2006-2014), với 49 chủng sinh thuộc 8 giáo phận và 2 thày thuộc Tu Đoàn Truyền Tin.

Khoá XIII (2007-2015), 49 chủng sinh thuộc 8 giáo phận.
Khoá XIV (2008-2016), 48 chủng sinh thuộc 8 giáo phận.

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua, từ ngày Tràng Tập hay tiểu chủng viện thánh Gioan được xây dựng cho tới nay, khi đã có được hai cơ sở cách nhau trên dưới 15 km cùng nằm trong địa bàn thành phố Hà Nội, một cho lớp tu đức và hai lớp triết học, một cho các lớp thần học, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội đã đón nhận và đào tạo trên 900 chủng sinh thuộc 8 giáo phận miền Bắc; trong số đó có 5 đấng đã và đang là chủ chăn của các giáo phận: Bắc Ninh, Hải Phòng, Phát Diệm, Lạng Sơn và Hà Nội; gần 400 linh mục; nhiều thày giảng đang kiên trung trong ơn gọi tận hiến. Trong số các linh mục ra trường, một số linh mục sau những năm tu nghiệp tại hải ngoại đã trở lại phục vụ trong Đại Chủng Viện.

5. Số linh mục đã được đào tạo tại Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội
- Khóa I: 9
- Năm 1978 – 1980: 4
- Khóa II: 17
- Khóa III: 44
- Khóa IV: 35
- Khóa V: 58
- Khóa VI: 54
- Khóa VII: 46
- Khóa VIII: 56

Có 5 cựu chủng sinh của Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội đã được tấn phong Giám mục: cố đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến, đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, đức cha Giuse Đặng Đức Ngân và đức cha phụ tá tổng giáo phận Hà Nội Laurensô Chu Văn Minh.

6. Ban Giám đốc Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội theo thời gian
Từ năm 1973 – 1977
Giám đốc: Đức hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn.
Phó giám đốc: Cha Giuse Trần Văn Mai. Cha Mai kiêm Giám học và quản lý Đại Chủng Viện.
Linh hướng: Cha Giuse Vũ Ngọc Bích.

Từ năm 1981 - 1989
Giám đốc: Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.
Phó giám đốc: Cha Gioan Đỗ Tông; cha Chính Tông kiêm giám học đại chủng viện.
Linh hướng: Cha Giuse Vũ Ngọc Bích.
Quản lý: Cha Phanxicô Nguyễn Quốc Khánh.

Từ năm 1989 – 2003
Giám đốc: Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (1989-1990); đức hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng.
Phó giám đốc: Cha Gioan Đỗ Tông, đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, cha Giuse Đặng Đức Ngân.
Giám học: Cha Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh, cha Giuse Đặng Đức Ngân (2000 - 2002), cha Laurensô Chu Văn Minh (2002-2003).
Linh hướng: Đức tổng giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cha Giuse Vũ Ngọc Bích, cha Giuse Phạm Gia Thụy, cha Giuse Phan Thiện Ân.
Quản lý: Cha Phanxicô Nguyễn Quốc Khánh, cha Giuse Nguyễn Khắc Quế và cha Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thuỷ.

Từ năm 2003 – 2005
Giám đốc: Đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt.
Phó giám đốc: Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, cha Laurensô Chu Văn Minh.
Giám học: Cha Laurensô Chu Văn Minh.
Linh hướng: Cha Giuse Phan Thiện Ân.
Quản lý: Cha Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thủy và cha Giuse Đào Hữu Thọ.

Từ năm 2005 đến nay 
Giám đốc: Cha Laurensô Chu Văn Minh.
Phó giám đốc: Cha Giuse Nguyễn Văn Diễm, cha Giuse Vũ Tất.
Giám học: cha Giuse Phạm Ngọc Khuê, rồi cha Phêrô Đặng Xuân Thành và cha Giuse Dương Hữu Tình (từ năm 2008).
Linh hướng: Cha Giuse Phan Thiện Ân và cha Cosma Hoàng Văn Đạt, rồi cha Micae Nguyễn Hữu Thu và cha Vinh-sơn Phạm Đình Khoan.
Đặc trách sinh hoạt: Cha Giuse Nguyễn Chấn Hưng (từ năm 2007).
Quản Lý : Cha Giuse Trần Viết Tiềm và cha Giuse Đỗ Mạnh Thái (từ năm 2009)

MỘT VÀI ĐỊNH HƯỚNG MỚI CHO NHỮNG NĂM SẮP TỚI
Nhằm đưa Đại Chủng Viện Hà Nội lên một tầm cao mới, cùng với các đại chủng viện khác tại Việt Nam, có thể đáp ứng những nhu cầu ngày càng nhiều và ngày càng phức tạp của Giáo Hội và xã hội, Ban Đào Tạo của Đại Chủng Viện đã tìm cách một đàng thiết lập nền móng cho mọi khía cạnh đào tạo, một đàng củng cố nền móng ấy bằng cách nâng cao, mở rộng hay đào sâu thêm.

- Thiết lập và củng cố nền móng cho việc đào tạo tâm linh bằng một năm tu đức cho các chủng sinh mới bước vào Đại Chủng Viện để các chủng sinh có được những nhận thức và tập quán tâm linh hết sức căn bản ; cao điểm của năm ấy là tháng tu đức, trong đó có tuần Linh Thao căn bản theo phương pháp thánh Inhaxiô ; đang nỗ lực tiến tới chỗ có đủ linh mục linh hướng ít là cho mỗi khối : khối tu đức, khối triết học, khối thần học căn bản và khối thần học sau cùng.

- Thiết lập và củng cố nền móng cho việc đào tạo mục vụ bằng cách tập cho chủng sinh biết quan sát và phân tích nhu cầu, biết chuẩn bị mình để đáp ứng và trên hết biết đồng cảm bằng một tâm hồn mục tử, trước khi tiến hành thử những hoạt động mục vụ cho các môi trường khác nhau, đồng thời biết lượng giá các nỗ lực mục vụ của mình cách trung thực, nhưng vẫn không quên giới hạn các hoạt động mục vụ do tính chất riêng của những năm đào tạo tại chủng viện.

- Thiết lập và củng cố nền móng cho việc đào tạo tri thức trước hết bằng cách tái lập lại trật tự trong chương trình học tập cho có hệ thống hợp lý và đồng điệu với chương trình học tập của các đại chủng viện khác tại Việt Nam, kế đó bằng cách nâng cao trình độ tri thức với đội ngũ giảng viên có năng lực hơn, với nội dung môn học cập nhật hơn và với phương pháp học tập tiến bộ hơn, có sự hỗ trợ là các sinh hoạt ngoại khóa như tăng cường các khóa học Anh Ngữ, sinh hoạt của câu lạc bộ dịch thuật, thuyết trình về một số đề tài như tìm hiểu các văn kiện mới nhất của Tòa Thánh, trình chiếu có bình luận các bộ phim tôn giáo giá trị, không kể việc cải tiến thư viện.

- Thiết lập và củng cố nền móng cho việc đào tạo nhân bản bằng cách bố trí các linh mục đồng hành với các chủng sinh mỗi lớp, tạo thêm cơ hội cho các sinh hoạt đạo đức mỗi lớp (thánh lễ và suy niệm theo lớp mỗi thứ sáu), trả lại quyền tự quản các sinh hoạt lớp và nhà trường cho các tổ và các lớp, gia tăng sự tự giác của mỗi chủng sinh về trật tự và kỷ luật trong chủng viện.

Tất cả những hướng đi này sẽ được thực hiện kết quả hơn, nếu có sự đồng thuận của mọi người trong Ban Đào Tạo và nhất là nếu có sự nhận thức đồng đều về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đào tạo. Ngoài ra, thiết lập được một Văn Phòng làm việc một cách khoa học và xuyên suốt hơn sẽ giúp không những quản lý các tư liệu cách chặt chẽ hơn, mà còn điều hành các sinh hoạt trong chủng viện cách nhịp nhàng hơn.

Tất cả đều nhằm đào tạo các mục tử càng ngày càng đúng như lòng Chúa mong ước và như lòng Mẹ Giáo Hộïi chờ đợi. 

Một số thư mục tham khảo
*Kỷ yếu các khóa: III, V, VI, VIII của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội.
*Lm. Bùi Đức Sinh-Op, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, Calgary-Canada 2002.
*Lm. Trần Phúc Long, 25 Giáo phận Việt Nam-Tập III, Costa Mesa, CA 92626, USA.
*Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Lịch sử địa phận Hà Nội 1626-1954, Paris 1994.
*Bản đề cương việc đào tạo tri thức tại Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội từ niên khóa 2008-2009.

Cập nhật và bổ sung bài viết của Ban Giám Đốc ĐCV Hà Nội ngày 20.12.2008
Ban Giám Đốc ĐCV Hà Nội (Theo Nhà Chung số 7)


DÒNG TÊN VIỆT NAM

1. Nguồn gốc Hội Dòng
Thiên Chúa, nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, đã ban cho Giáo Hội một đặc sủng ngang qua một con người - thánh I-nhã Loyola - và một nhóm người, nhóm bạn đầu tiên cùng chí hướng của thánh I-nhã. Sau khi được ơn hoán cải ở tuổi 30, thánh I-nhã (Ignace de Loyola, 1491-1556) đã quyết tâm phục vụ Đức Kitô. Ngài đã có nhiều kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt mà sau này được đúc kết thành tập sách nhỏ Linh Thao. Trong thời gian học ở đại học Paris, I-nhã đã quy tụ được một nhóm bạn cùng chí hướng qua việc hướng dẫn Linh Thao cho từng người. Trong số đó, có thánh Phanxicô Xaviê và chân phước Phêrô Favre.

Ngày 15.8.1534, nhóm bạn của I-nhã đã cam kết sống chung với nhau trong một cộng đoàn, khấn khó nghèo, làm việc tông đồ và đi hành hương Đất Thánh. Lúc đó, nhóm không có tên, không có luật, không ai có quyền trên ai. Họ chỉ liên kết với nhau vì chia sẻ cùng một lý tưởng tông đồ và sống tình bạn thiêng liêng. Năm 1537, cả nhóm đã tụ họp về Venezia để chuẩn bị đi hành hương Thánh Địa. Trong thời gian chờ đợi đi Đất Thánh, họ chia ra từng nhóm nhỏ đi phục vụ, dưới danh nghĩa là nhóm bạn đồng hành của Chúa Giêsu, gọi tắt là Đoàn Giêsu.

Do không thể đi Thánh Địa vì có chiến tranh, cả nhóm quyết định đi Roma vào cuối năm 1537 để đặt mình dưới sự hướng dẫn trực tiếp của vị thủ lãnh Giáo Hội hầu được sai đi bất cứ nơi đâu trên thế giới để phục vụ các linh hồn. Mùa Chay năm 1539, họ gặp nhau nhiều lần để cùng phân định hướng đi cho tương lai: hoặc mỗi người đi theo con đường của mình như đã được Đức Giáo Hoàng chỉ định, hoặc tự ràng buộc với nhau để trở thành một nhóm bạn vĩnh viễn. Cuối cùng, họ quyết định liên kết với nhau qua lời khấn vâng phục một người trong nhóm và trở thành một dòng tu để hỗ trợ nhau trong sứ mạng phục vụ Đức Kitô.

Ngày 27.9.1540, ĐGH Phaolô III chính thức công bố trọng sắc Regimini Militantis Ecclesiae phê chuẩn Đoàn Giêsu thành một dòng tu giáo sĩ trong Hội Thánh. Từ đó Đoàn Giêsu trở thành Dòng Chúa Giêsu (The Society of Jesus - ở Việt Nam quen gọi là Dòng Tên, vì muốn kính Tên cực trọng Giêsu). Mười thành viên trong dòng tu mới lập đều nhất trí bầu cha I-nhã làm Bề trên Tổng Quyền tiên khởi (1540-1556).

2. Tiểu sử vị sáng lập Dòng Tên – Thánh I-nhã, thành Loyola
Thánh I-nhã sinh năm 1491 tại lâu đài Loyola, tỉnh Guipuzcoa, miền Bắc Tây Ban Nha. Ngài thuộc gia đình quý tộc, được huấn luyện để trở thành hiệp sĩ. Năm 1521, ngài bị thương trong trận chiến tại Pamplona. Trong thời gian dưỡng thương, ngài được ơn hoán cải và quyết tâm noi gương các thánh phục vụ Đức Kitô. Sau đó, ngài đã đến Manresa tĩnh tâm một năm trước khi đi hành hương Thánh Địa Giêrusalem. Đây cũng là thời gian ngài được những kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt, nhờ đó ngài khởi sự soạn thảo tập sách nhỏ Linh Thao.

Sau khi hành hương về, trong thời gian 1524-1527, khi học ở Barcelona và Acalá, ngài thường giúp người khác về đời sống thiêng liêng bằng chính kinh nghiệm của mình. Ngài đã từng bị bắt giam mấy lần và bị cấm giảng đạo, vì ngài chưa học đầy đủ. Năm 1528, ngài lên Paris học để mong được tiếp tục giúp các linh hồn. Tại Paris, I-nhã đã quy tụ được một nhóm bạn sinh viên cùng chí hướng qua việc hướng dẫn Linh Thao cho từng người. 

Ngày 15.8.1534, I-nhã cùng với các bạn trong nhóm đã khấn khó nghèo, đi hành hương Thánh Địa và phục vụ tha nhân sau khi hành hương. Ngày 24.06.1537, I-nhã được thụ phong linh mục cùng với năm người bạn khác, trong đó có thánh Phanxicô Xaviê.

Tháng 11.1537, trên đường từ Vicenza đến Rôma đặt mình dưới chân Đức Giáo Hoàng để được ngài sai đi, khi vào cầu nguyện trong một ngôi nhà nguyện nhỏ ở La Storta, thánh I-nhã đã được Chúa ban ơn soi sáng đặc biệt và mãnh liệt là “được Chúa Cha đặt với Chúa Con” để phục vụ Đức Kitô. Kinh nghiệm thiêng liêng này chính là nền tảng của đặc sủng Dòng Tên.

Năm 1539, sau nhiều lần cầu nguyện và phân định thiêng liêng chung, I-nhã và các bạn đi đến quyết định liên kết với nhau trở thành một dòng tu mang tên Chúa Giêsu. Năm 1540, I-nhã được các bạn bầu làm Bề trên Tổng Quyền tiên khởi của Dòng. Từ năm 1541–1550, thánh I-nhã đã soạn thảo Hiến Luật của Dòng.

Ngày 31.07.1556, thánh I-nhã qua đời tại Rôma, sau 15 năm làm Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên.

Ngày 12.03.1662, I-nhã được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV tuyên thánh cùng với Phanxicô Xaviê.

3. Lịch sử Hội Dòng:
* Trên thế giới
Sau khi được chuẩn nhận để trở thành Dòng tu, các Giêsu hữu (tên gọi của tu sĩ Dòng Tên) đầu tiên đã hăng say phục vụ Giáo Hội trong khắp Châu Âu. Thánh Phanxicô Xaviê được sai đi truyền giáo tận Châu Á. Sau 16 năm, số tu sĩ đã tăng từ 10 lên 1000 người. Các Giêsu hữu dấn thân trong mọi lãnh vực để phục vụ: giáo dục, suy tư thần học, tham gia Công đồng Trentô, giúp Linh thao và giảng thuyết. Các Giêsu hữu cũng được sai đi khắp nơi trên thế giới để loan báo Tin Mừng: đến Châu Á (từ 1542), Châu Phi (1548), đến Nam Mỹ (1552), và Bắc Mỹ (1639). Một nét đặc biệt trong công cuộc loan báo Tin Mừng của các Giêsu hữu ở Châu Á đó là việc hội nhập văn hoá: ở Ấn Độ do Roberto de Nobili, ở Trung Hoa do Mateo Ricci, ở Việt Nam do Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ).

Từ giữa thế kỷ XVII, Dòng Tên đã gặt hái nhiều thành quả trong sứ mạng phục vụ, nhưng cũng gặp nhiều chống đối. Sự chống đối đến từ các chính quyền ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, do mất quyền lợi từ các thuộc địa có các thừa sai Dòng Tên đến truyền giáo và nâng cao dân trí; ở các quốc gia theo trào lưu Tin Lành lúc bấy giờ; ở Châu Á do sự nghi kỵ các thừa sai. Năm 1773, trước sức ép nặng nề của các chính quyền ác cảm với Dòng Tên, ĐGH Clementê XIV ra đoản sắc Dominus ac Redemptor giải thể Dòng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hoàng đế nước Phổ Frederick II và nữ hoàng Nga Catherina I đã cho phép Dòng Tên tiếp tục hoạt động ở Phổ và Nga.

Ngày 07.08.1814, ĐGH Piô VII ra trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum tái lập Dòng Tên. Dòng Tên bắt đầu hồi sinh, tiếp tục phục vụ trong các hoạt động giáo dục, truyền giáo và hướng dẫn thiêng liêng.

Hiện nay (2009), Dòng có 18.516 tu sĩ, phục vụ tại 133 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Các tu sĩ của Dòng có mặt trong hầu hết các hoạt động của Giáo Hội (suy tư thần học, giảng thuyết, mục vụ giới trẻ, giúp Linh thao, truyền giáo…) cũng như của xã hội (giáo dục, truyền thông, phục vụ người tị nạn và di dân,…) nhằm phục vụ và thăng tiến con người. Họ là các thần học gia, các vị linh hướng, giáo sư, kỹ sư, nhạc sĩ, nhân viên xã hội, tâm lý gia, bác sĩ, luật sư, nhà báo, nhà truyền giáo...

* Tại Việt Nam
Tháng 01 năm 1615, ba Giêsu hữu đầu tiên đã đặt chân đến Cửa Hàn, Đà Nẵng thuộc Đàng Trong. Ngày lễ Thánh Giuse năm 1627, Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) cùng với Cha Pedro Marquez đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) gây dựng Hội Thánh Đàng Ngoài.

Trong thời gian 1615-1773, trên 155 tu sĩ của Dòng thuộc 20 quốc tịch (nhiều nhất là Bồ Đào Nha) đã đến loan Tin Mừng trên Đất Việt, cùng với 33 Giêsu hữu người Việt. Trong số đó, có 12 Giêsu hữu đã làm việc trong Thái Y Viện và Khâm Thiên Giám duới triều các Chúa Nguyễn.

Năm 1773, Dòng Tên bị giải thể trên toàn thế giới, và các Giêsu hữu ở Việt Nam cũng theo số phận chung với anh em mình trong toàn Giáo Hội.
Ngày 07.08.1814, ĐGH Piô VII ra trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum tái lập Dòng Tên trên toàn giới. Mãi đến năm 1957, Dòng Tên mới trở lại Việt Nam. Tháng 12 năm 1956, cha Bề Trên Tổng Quyền đã yêu cầu các Giêsu hữu đã bị chính quyền Trung Hoa trục xuất (năm 1949) nhận trách nhiệm lập cơ sở mới phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam. Tháng 4 năm 1957, cha Oñate và cha Georges Germain tới Sài Gòn để thực hiện chương trình này. Khi Dòng trở lại Việt Nam, cộng đoàn đầu tiên được thành lập tại số 161 đường Yên Đỗ, Quận 3, Sàigòn. Đó là cộng đoàn thánh I-nhã, sau này là trung tâm Đắc Lộ. Sau gần hai thế kỷ vắng bóng trên đất Việt, các Giêsu hữu đã trở lại phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam.

Từ 1957–1975, các Giêsu hữu – thuộc 14 quốc tịch khác nhau – đã phục vụ trong các sứ vụ: giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X tại Đà Lạt để đào tạo Linh mục cho Giáo Hội Việt Nam, giảng dạy tại các đại học, truyền thông xã hội, mục vụ cho sinh viên và giới trẻ.

Từ 1975–1990, hoàn cảnh đất nước đổi thay, như các anh chị em tu sĩ khác, Dòng Tên phải đối diện với những khó khăn và thách đố khi trung thành sống căn tính của mình. Trong thời gian này, các Giêsu hữu âm thầm hòa mình vào nhiều môi trường xã hội khác nhau để tiếp tục hiện diện và phục vụ Hội Thánh và con người trong bối cảnh mới của đất nước.

Từ 1991, Dòng Tên bắt đầu hồi sinh. Các hoạt động mục vụ của Dòng từ từ được định hình trở lại với các sinh hoạt: giúp Linh Thao, mục vụ giáo xứ, sinh viên và giới trẻ, truyền giáo... Ơn gọi mới của Dòng mỗi ngày một nhiều hơn. Ngày 14.07.2007, Miền Dòng Tên Việt Nam được chính thức nâng lên thành Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, với bổn mạng là Thánh Phanxicô Xaviê.

4. Đặc sủng Hội Dòng
Bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá, trung thành với Giáo Hội và sẵn sàng để được vị đại diện của Người là Đức Giáo Hoàng sai đi đến bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì theo các giá trị Tin Mừng nhằm Tôn Vinh Thiên Chúa Hơn và giúp ích cho con người hôm nay hơn, theo tinh thần chiêm niệm trong hoạt động.

5. Linh đạo Hội Dòng
Linh đạo Dòng Tên được đặt trên nền tảng linh đạo của Thánh I-nhã và Hiến Luật của Dòng. Dựa trên những kinh nghiệm thiêng liêng thần bí được đúc kết trong tập Linh Thao, sách Tự Thuật và Nhật Ký Thiêng Liêng, thánh I-nhã đã chia sẻ với Giáo Hội một linh đạo lấy Đức Giêsu Kitô làm trung tâm cho cuộc sống, với lòng ao ước được hiểu biết Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và bước theo sát Chúa hơn. Cùng bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá để thi hành thánh ý của Chúa Cha, thánh I-nhã đã chia sẻ với mọi người cách thức thực hành việc phân định thiêng liêng để khám phá lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người và quảng đại đáp lại lời mời gọi ấy trong từng giây phút của cuộc sống thường ngày.

Lối sống và cung cách hành xử của các Giêsu hữu thấm nhuần linh đạo của thánh I-nhã qua những kinh nghiệm thiêng liêng của Linh Thao, và được hướng dẫn bởi Hiến Luật của Dòng. Chính tình yêu cá vị đối với Thiên Chúa và cụ thể đối với Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời nhập thể – là nền tảng thúc đẩy từng Giêsu hữu khám phá sự hiện diện và lời mời gọi của Thiên Chúa trong mọi người và trong mọi hoàn cảnh, thúc đẩy từng Giêsu hữu cùng với Đức Kitô lao tác để làm tất cả mọi sự cho Vinh Danh Chúa Hơn trong phân định thiêng liêng, nhằm giúp đỡ các linh hồn qua các sứ vụ khác nhau.

Chính lòng khao khát muốn nên giống Đức Giêsu vác thập giá trong mọi sự và muốn cùng với Đức Giêsu Kitô lao tác đã làm cho các Giêsu hữu trở nên những người bạn trong Đức Kitô, và nối kết họ thành một thân thể tông đồ với đức vâng phục làm nền tảng - vâng phục Đức Giáo Hoàng, Bề Trên Tổng Quyền và các Bề Trên hợp pháp - với cùng một cảm thức với Giáo Hội để luôn tìm điều hơn (magis) cho Vinh Danh Chúa, để phục vụ Giáo Hội và mang ích lợi cho con người.

Phục vụ đức tin nối kết với thăng tiến công bình của Nước Thiên Chúa trong đối thoại với các nền văn hoá và các tôn giáo khác. Trong bối cảnh của một thế giới đang bị ảnh hưởng bởi trào lưu toàn cầu hóa, dẫn tới gia tăng những mâu thuẫn và xung đột, sứ mạng này được thực hiện ngang qua nhiều sứ vụ như giảng Linh Thao, tông đồ xã hội, mục vụ giới trẻ, suy tư và giảng dạy thần học, truyền thông… nhằm thiết lập những nhịp cầu hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau và với môi trường thiên nhiên.

8. Bổn Mạng Tỉnh Dòng Việt Nam: 
Thánh Phanxicô Xaviê – Kính ngày 03 tháng 12

9. Địa chỉ trụ sở chính tại Việt Nam
Số 19 Đường số 5, Khu Phố 2, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: (08) 3897-9197 – Fax: (08) 3720-3252

10. Bề Trên đương nhiệm:
- Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên: Cha Adolfo Nicolás, S.J. (2008 - nay)
- Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam: Cha Giuse Phạm Thanh Liêm S.J. (2010 - nay)

11. Các hoạt động tại Việt Nam:

  • Giảng Linh Thao 
  • Mục vụ giáo xứ 
  • Sinh hoạt giới trẻ 
  • Suy tư và giảng dạy thần học
  • Tông đồ xã hội 
  • Truyền giáo 
  • Hướng Dẫn Học Lời Chúa, Tĩnh Tâm và Linh Thao 
  • Mục Vụ Truyền giáo cho đồng bào dân tộc vùng cao
  • Mục Vụ Sinh Viên, Mục Vụ Công Nhân Di Dân

12. Số cộng đoàn: 10 cộng đoàn

13. Nhân sự: 

  • Tổng số (Tính từ tập sinh): 180
  • Linh mục: 48
  • Học viên: 62
  • Tu huynh: 18
  • Tập sinh: 37

Trong đó:

  • Khấn lần đầu: 98
  • Khấn cuối: 34
  • Số ứng sinh: 140

14. Điều kiện gia nhập:
- Nam.
- Tuổi từ 20 – 26.
- Trình độ văn hoá: Tốt nghiệp Đại học.
- Sức khoẻ tốt.

15. Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:
Nhà Thờ Thiên Thần, 600 Xa lộ Hà Nội, Khu Phố 4, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: (08) 3744-4766

16. Khả năng cộng tác về chuyên môn của Hội Dòng trong công việc phục vụ chung: 
Đào tạo tác viên Tin Mừng, giáo lý viên, người hướng dẫn Linh Thao, đồng hành thiêng liêng,...

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.