Hè rong ruổi

Hè luôn là những ngày rong ruổi khắp nơi không chỉ riêng tôi mà tôi tin rằng rất nhiều người khác cũng thế. Ngày bé, mỗi lần tụ tập của những thằng con trai trong xóm luôn là một lần đi khám phá một vùng đất mới. Thường thì những lần đó, chúng tôi hay đi vào rẫy của một thằng trong bọn. Đi hết rẫy của cả bọn thì chuyển sang rẫy của cô dì chú bác nhà chúng nó, hết nữa thì chuyển sang rẫy hàng xóm của rẫy nhà chúng nó,… Gần giống như ngày nay giới trẻ hay đi phượt vậy, chỉ có điều chuyến đi ngắn hơn và không có trang bị phương tiện gì hết. Tất nhiên là đi bộ và tuyến đường đi vô rẫy chúng chọn luôn là tuyến đường “tắt”, đây là đường không chính thống chỉ có đám trẻ con xóm tôi biết, rất khó đi nhưng thú vị. Các hoạt động diễn ra khi đến địa điểm luôn là tắm ao, tắm suối, ăn các loại trái cây có thể ăn được trong vườn, câu cá, bắt cua,… Những chuyến khám phá rẫy không phải của người quen luôn thú vị và hồi hộp nhất, chuyện bị chủ vườn cầm roi dí chạy té khói thường xảy ra và đó là phần thú vị nhất. Khi đó mọi giác quan trên cơ thể được phát huy một cách mạnh mẽ nhất để giúp mình chạy thoát, tứ chi hoạt động hết công suất để chạy, tai nghe ngóng bước chân chủ vườn, mắt có tầm nhìn xa trên 10km mặc dù có nhiều cây cối che khuất, não liên tục thu thập dữ liệu và xử lí ra đường chạy thoát. Đám con nít xóm tôi mà đi thi Olympic điền kinh thì có khi hơn cả Usan Bolt. 
Tôi rong ruổi hết những mùa hè thời “trẻ trâu” như thế.

Hè sinh viên, nhiều lựa chọn: đi làm thêm, ở nhà phè phỡn bù lại những ngày học, đi du lịch bụi,… nhưng sao tôi lại nhớ những mùa hè rong ruổi đó đây thời trẻ con. Thôi thì “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Thế rồi tôi tìm ra lựa chọn cho mình, rong ruổi Kon Tum với Thiên Ân. Năm nhất, nghe rủ rê và đi. Ban sáng rong ruổi qua tất cả các các buôn làng của DakJak vừa đi chơi nhưng mà vừa thấm, thấm cái nghèo, cái khổ, cái thiệt thòi nhưng lại thấm cái tình. Ban chiều vui chơi sinh hoạt, dạy học tuy mệt mỏi nhưng thấy được những tiếng cười, những ánh mắt to tròn ham học mệt mỏi bay đâu mất. Ban tối, những câu chuyện trên bàn ăn không ngớt tiếng cười, nhưng đâu đó trong những câu chuyện là sự lo lắng, bất bình của cha trước một chế độ dối trá, trước những kẻ lãnh đạo thiếu trách nhiệm. 11 anh chị em Thiên Ân ăn chung, ngủ chung, làm chung cùng nhau vượt qua những khó khăn, có những cãi vã, bất hòa, những giọt nước mắt nhưng điều đó càng thắt chặt tình anh em. 11 người của hội Kon Tum vẫn thường xuyên gặp nhau để kể về những kỉ niệm, cùng nhau ngồi xem lại hình và kể tên từng đứa trong hình, gọi nhau bằng những cái tên biệt danh được đặt trên núi. Tôi thầm nghĩ: đội hình Kon Tum đẹp nhất là 11 người này. Mùa hè năm nhất trôi qua.

Tôi muốn kể nhiều hơn về mùa hè năm hai mới trải qua, nhưng đâu đó trong trí nhớ chỉ còn lại những mảnh nhỏ kí ức không thể tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh. Tôi quyết định quay lại DakJak một lần nữa để hoàn thành những dự định ấp ủ từ năm ngoái nhưng hè đã qua mà vẫn chưa có cái nào ra hồn. Rong ruổi trên cao nguyên về với làng DakNai và tôi quyết định gắn bó với DakNai trong suốt mùa hè. Những con chữ “a bờ cờ” sao mà dạy khó thế, sao mà tốn công sức thế. Và rồi tôi chẳng dạy được em nào đọc viết cho ra được dù một từ. Một lần nữa tôi lại thấm thật sâu cái sự thất học vì nghèo đói. Những câu hỏi bâng quơ đôi khi lại đau nhói, “vì sao em không đi học nữa?”, các em chỉ cúi gằm mặt, và đâu đó những giọt nước mắt ứa ra. Đúng là “có thực mới vực được đạo”, cái ăn còn loay hoay thì sao dám nghĩ đến chuyện đi học. Nồi cơm nguội ngắt với vài con cá khô mặn đắng, những món ăn tôi không nghĩ đó là đồ ăn, lu gạo trống không đóng mạng nhện từ khi nào,… Quả ổi non, trái me xanh, hạt bắp nướng, và nhiều những loại quả kì lạ khác là những món ăn ngon lành của đám trẻ con. Có lần, mấy đứa bé lại nhà cha chơi, đi ra đằng sau bếp và hỏi xin tôi những gói muối mì gói mà hồi sáng bỏ lại, tụi nó la lên sung sướng như vớ được kho báu khi tôi đồng ý, chợt thấy lòng quặn lại.

Tôi rất thích những lần một mình đi bộ vô làng, cảm nhận từng bước chân, hít hà cái không khí cao nguyên, những giọt mưa đêm vẫn còn lâm râm. Một trong những lần như thế tôi vô tình bắt gặp hình ảnh mà tôi cho là đẹp nhất mùa hè: ba cô bé Hè, Thế và Hân Vũ khoác vai nhau đi lên nhà thờ vừa đi vừa hát bài Hine Ma Tov, rồi la lên: anh Vũ Spêl! khi bắt gặp tôi. Bất giác nhớ lại câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, mới đầu tôi chỉ mong nhanh chóng xong việc rồi về, nhưng thời gian càng trôi qua, mảnh đất DakJak càng níu chân lại. Rảnh rỗi ngồi nhớ lại, những mảnh kí ức lại ùa về. Nhớ cha Vũ giản dị, nóng nảy, vui tính và câu nói huyền thoại: “không có cái gì trong đầu”. Nhớ thầy Năng năng động, nhiệt tình lúc nào cũng có chuyện vui để kể. Nhớ sơ Trúc dịu dàng, ân cần luôn chăm lo đến từng thành viên trong đoàn không phân biệt Thiên Ân hay Đức Bà lại còn hiểu tâm lí sinh viên nữa chứ. Nhớ nồi chè khê của chị Khuyên, món rau câu mới lạ của bạn Hương, bộ ba DakBlai nhí nhảnh, những lần tắm suối và đôi mắt kính “5 tỉ” đã mãi ở lại nơi con suối, đêm trăng rằm trước ngày về ngồi đàn hát nghêu ngao trước cổng. Nhớ cả những cơn mưa bất chợt và dầm dề, những ngày nắng ít ỏi, con đường sình lầy vào làng. Và tôi nhớ cả em nữa, cô bé ạ!

Như thế, tôi rong ruổi hết hai mùa hè của thời sinh viên. Vẫn còn những mùa hè phía trước để đi đến những vùng đất xa xôi để rong ruổi và để thấm.
Vũ Bình
30/08/2015
Bình luận:
Giờ mới đọc. Hay quá! ^_^
Hoang Thanh
Nhớ đêm trăng tròn.
Huyền Huyền

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.