Truyền Tin Vui (Lời Chúa: Lc 1, 26-38 - Chúa Nhật XXVII TN)
“Nỗi buồn cho, nỗi buồn vơi một nửa. Niềm vui cho, niềm vui được nhân đôi.” Câu nói nghe có vẻ mâu thuẫn vì cùng một hành động “cho” nhưng kết quả lại trái ngược hoàn toàn. Tuy nhiên, “triết lý” buồn – vui này lại là phản ảnh trung thực của một quy luật sống bất biến, mà trong đó, khi con người chia sẻ nỗi buồn cho nhau, họ sẽ cảm thấy bớt buồn đau. Ngược lại, khi chia sẻ niềm vui cho nhau, niềm vui của người này sẽ lan toả sang người khác, và cứ thế nhân rộng mãi. Tin Mừng hôm nay chính là một biến cố vui có sức lây lan cho toàn nhân loại.
Trong đoạn văn ngắn gồm mười hai câu, thánh sử Luca đã trình thuật lại biến cố Truyền Tin, một biến cố được chọn làm khởi đầu cho Mầu Nhiệm Vui, vì qua biến cố này, Thiên Chúa chính thức khai mạc công trình cứu độ của Người. Cuộc “đàm phán” giữa Sứ Thần Của Chúa là thiên sứ Gabriel và Người Nữ Khiêm Hạ là Mẹ Maria, kết thúc với cái gật đầu ưng thuận và hợp tác của Mẹ, đã đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử loài người, khởi điểm cho Tình Yêu Cứu Độ lên ngôi.
Ngay từ phút giây đầu tiên, khi sứ thần cất tiếng chào mà cũng là lời mời gọi Mẹ đón nhận niềm vui thiên sai, ngài đã hồ hỡi reo lên, “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Lời chào này gợi nhớ lời sấm Xôphônia (3,14) ngỏ lời với phần tồn dư của Israel bị tản mác. Lời này cũng nhắc đến lời ngôn sứ Dacaria (9,9) trong bối cảnh là lời hứa ban một miền đất mới và một trái tim mới. Với Maria, sứ thần cũng nói một lời tương tự, một lời mời hãy đón nhận và sống niềm vui. Lời này thường được dịch ra thành lời chào chung chung, “Kính chào Bà!” Sứ thần chào Đức Maria bằng lời mời gọi hãy vui lên, vì Mẹ là Đấng đầy ơn phúc khi được Thiên Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa. Phản ứng của Maria là bối rối (Lc 1,29a). Lời sứ thần không đem lại bình an, niềm vui, và thanh thản, nhưng gây bối rối hoang mang. Gặp gỡ Thiên Chúa là thế. Đây là phản ứng tiêu biểu của con người khi đối diện với thách đố hay sứ mệnh Chúa trao. Tuy nhiên, Maria “tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29b); tức là Mẹ tìm hiểu, chứ không để cho mình bị nỗi sợ hãi áp đảo. Sứ thần tiếp tục can thiệp để xoa dịu nỗi bối rối sợ hãi của Maria, “Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (30). Sứ thần đã nói tất cả những gì phải nói. Còn Maria, đã tự do xin được giải thích và đã hiểu những gì Thiên Chúa muốn mình làm. Rồi thiên sứ ra đi, nhưng Thiên Chúa ở lại trong lòng Maria, và sứ mệnh truyền tin của Mẹ cũng bắt đầu. Mẹ lan truyền niềm vui cho Elizabeth, rồi sau này, chính Gioan, ngay khi còn trong bụng mẹ cũng đã nhảy lên vui sướng vì được “Thân Mẫu Chúa viếng thăm” (43). Niềm vui ấy càng toả lan và nhân rộng cho toàn thế giới, vì từ khi đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa đã được ban cho nhân loại. Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể, tử nạn, và phục sinh để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết hầu dẫn đưa đến sự sống vô cùng của Thiên Chúa và với Thiên Chúa.
Khi đón nhận lời truyền tin của sứ thần, Mẹ Maria đã khiêm tốn xin vâng cho dầu đã có một thoáng bối rối. Mẹ đã chấp nhận làm người “mang” và đưa tin vui đến cho nhân loại. Sự chấp nhận đem lại cho Mẹ không ít những đau khổ và phiền muộn vì bị hiểu lầm, nhưng cũng là bằng chứng cho thấy Mẹ luôn tin tưởng, tín thác, và yêu mến Chúa hết lòng.
Mừng trọng thể Đức Mẹ Mân Côi hôm nay cũng là dịp để mỗi người chúng ta duyệt xét lại cuộc sống của mình. Hằng ngày, chúng ta vẫn luôn đón nhận mọi ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, thế nhưng ân sủng ấy có lớn lên trong chúng ta không? Chúng ta có cộng tác với những ân sủng ấy để làm cho niềm vui và tình thương của Chúa lan tỏa đến những người xung quanh không? Hay ân sủng ấy đã bị chúng ta chôn sâu cất kỹ? Hay chúng ta đã để cho những hòn đá của sự ích kỷ, những ngọn lửa của hận thù, những con đường mòn của những tính hư nết xấu thay nhau chèn ép, khiến cho những hạt mầm của ân sủng không thể lớn lên trong chúng ta? Câu trả lời là của mỗi người chúng ta.
A. Ngọc Hạnh, LCSP
2/10/2012
Đăng nhận xét