Môn Đệ Chất Lượng Cao


Thứ Tư sau CN XXXI TN - Lời Chúa: Lc 14, 25-33

Cuộc sống càng phát triển thì nhu cầu con người cũng ngày càng tăng. Giữa đua tranh lợi nhuận, vàng thau lẫn lộn, người ta hoang mang nghi ngại làm sao chọn được một món hàng tốt, thực phẩm ngon, chuyến xe an toàn, ngôi trường uy tín, hay thầy giáo giỏi tận tâm. “Chất lượng cao” trở nên như tiêu chí hàng đầu cho người có nhu cầu, từ sản phẩm, văn hoá, giáo dục, cho đến con người. Chúa Giêsu hôm nay cũng trong tiến trình tuyển chọn “môn đệ chất lượng cao” để đào luyện và sai đi cho cánh đồng truyền giáo của Người.

Người ta đến với Người, đông lắm. Chẳng cần hỏi tên tuổi, quê quán, hay văn bằng, Đức Giêsu nhìn họ rồi bảo, “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ* cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Mt 14, 26-27).

Điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu lạ lùng, thật lạ lùng. Phải “ghét” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, mạng sống mình; và phải “vác thập giá mình.” Hội được những điều kiện này thì người đó mới “xứng đáng làm môn đệ” Người.

Có mâu thuẩn không khi chính Chúa Giêsu đã dạy phải yêu người, kể cả kẻ thù? Từ bỏ mạng sống như thế thì làm sao sống được? Ghét cha mẹ, anh em, chị em như thế làm sao tránh khỏi tiếng bất hiếu, vô tình, vô nghĩa? Để làm sáng tỏ điều này, Thánh Sử Matthêu trong chương 10 câu 37 giải thích việc “ghét” hay “dứt bỏ” này như sau, “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy; ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy.” Như thế, “ghét” ở đây có nghĩa là ai muốn đi theo Đức Giêsu thì phải yêu mến Người hơn tất cả những gì mình tha thiết nhất, kể cả người thân và mạng sống.

Cuộc sống con người là một chuỗi những chọn lựa. Chọn điều này thì phải bỏ điều kia. Có những điều xấu phải bỏ như rượu chè, bài bạc, hút chích, xì ke, nói hành nói xấu... Cũng có điều tốt phải bỏ để chọn cái tốt hơn như chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn thái độ sống hoặc bậc sống cho riêng mình. Sống là chấp nhận từ bỏ. Có những từ bỏ nhẹ nhàng và thanh thoát, nhưng cũng có những từ bỏ đòi hỏi nhiều hy sinh, vì từ bỏ khiến ta đau khổ hoặc luyến tiếc, như khi bỏ chiếc giường ấm êm để dậy đi lễ sớm; khi phải tắt tivi, ngưng máy tính, ngừng chơi games để đọc kinh tối với gia đình; hoặc phải kiềm chế dục vọng để gìn giữ trinh tiết cho nhau của một đôi bạn đang yêu. Từ bỏ là cách diễn tả tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Nếu không yêu, từ bỏ là một niềm đau.

Thông thường, người ta thích chọn cái dễ hơn cái khó, cái tầm thường hơn cái cao cả, khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền, và lợi ích cá nhân hơn là tập thể. Khi đưa ra điều kiện làm “môn đệ chất lượng cao,” Chúa Giêsu đòi buộc “ứng sinh” phải từ bỏ “hết những gì mình có.” Người biết đó là chọn lựa khó khăn nên căn dặn họ phải tính toán cẩn thận rồi mới chọn lựa dứt khoát: muốn xây tháp cần có tiền, muốn thắng trận phải có lính, muốn theo Chúa phải từ bỏ; từ bỏ ý riêng, tự do, những điều mình ưa thích nếu chúng đi ngược với Lời Chúa, hay làm cho mình xa cách Người. Không thế thì “không thể làm môn đệ tôi được.”

Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn mà Chúa nhắc tới ba lần cụm từ, “thì không thể làm môn đệ tôi” cho thấy tầm quan trọng của việc trở thành “môn đệ chất lượng cao” của Chúa là thế nào. Quả thật, cuộc sống này đáng yêu, của cải vật chất là cần thiết, và người thân là quý giá và đáng trân trọng; nhưng yêu Chúa và chọn Chúa cùng với những giá trị Tin Mừng mới là điều Chúa mong mỏi nhất nơi người môn đệ mang danh Kitô. Xin cho chúng ta trở thành “môn đệ chất lượng cao” khi dám chọn Chúa giữa những lựa chọn thường ngày, và dám vác thập giá theo chân Chúa bằng những từ bỏ nho nhỏ, để từ những từ bỏ nhỏ đó chúng ta sẽ dễ dàng từ bỏ lớn hơn.
________ 
*Dứt bỏ: dịch sát nghĩa là “ghét.”
A. Ngọc Hạnh, LCSP
07/11/2012

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.