Thứ Sáu, 08.6.2012
Tối nay con bắt đầu cuộc hành trình thăm Thầy cùng với chị em, một chuyến viếng thăm có lẽ thoải mái hơn những chuyến viếng thăm trước đây, vì không mang nặng tính “linh thao.” Hơn ai hết, con khao khát kín múc nguồn sống từ Thầy, vì đã tiêu hao năng lực quá nhiều cho những công việc Thầy giao và cả những công việc Thầy không giao mà con “tò le” nhúng vào. Đây cũng là lần đầu con “du lịch” cùng chị em sau những năm tháng xa nhà. Cảm giác thật tuyệt. Con háo hức như một đứa trẻ mong ngóng gặp lại Thầy. Hình như con đã xa Thầy lâu lắm rồi.
Để chuyến đi được tốt đẹp, con tự đặt ra những quy định khắt khe cho bản thân – cắt đứt mọi liên hệ với bên ngoài, tắt nguồn các phương tiện truyền thông, thinh lặng tuyệt đối, và có mặt ở điểm hẹn hầu hết thời gian – để được hoàn toàn ở bên Thầy. Có lẽ sự “biệt tích” của con làm cho “ai đó” lo lắng một chút, nhưng nếu không can đảm gạt bỏ tất cả mọi sự ra bên ngoài để dấn bước vào cuộc hành trình, con sẽ thất bại ngay từ giây phút đầu tiên tìm gặp Thầy.
Giờ đây con ở bên Thầy, cảm nhận Thầy đang bên con, rất gần. Có phút giây nào hạnh phúc và dịu êm hơn khi lòng kề lòng, Thầy và con trò chuyện cùng nhau, Thầy nhỉ? Hồn con thổn thức vì những yêu thương của Thầy và cả vì những bất xứng của bản thân.
Thầy ơi, con phó thác hồn xác con cùng mọi hoạt động của con trong tay Thầy. Con thật sự khao khát được ở với Thầy. Xin Thầy ban Thánh Thần giúp con đi trọn hành trình này. Con xin đặt gia đình linh tông, huyết tộc, hội dòng, thầy cô, bạn bè, ân nhân, và các em của con trong tay Thầy. Con không muốn bơi lội trong biển tình yêu của Thầy mà thiếu vắng một ai trong số họ.
Thứ Bảy, 09.6.2012
* Sáng
Sáng nay, trong hành trình đi thăm Thầy, con đọc được hai câu chuyện do trò Maccô của Thầy viết lại; hai câu chuyện trong cùng một mạch văn nhưng lại chả ăn nhập tí nào với nhau; vậy mà con lại thích. Trong câu chuyện thứ nhất, Thầy cảnh báo người ta “Phải coi chừng những ông kinh sư!” Còn câu chuyện thứ hai, Thầy đề cao việc dâng cúng “hai đồng tiền kẽm” của một bà goá nghèo (x. Mc 12, 38-44). Suy gẫm Lời Thầy con thấy vui vui, chả biết vì sao vui; chỉ biết là vui, thế là… vui ^^.
Tự đặt mình trong phân vai của “gã” kinh sư và “mụ” goá nghèo, con rút ra những bài học cho riêng mình.
Phân đoạn một: trong vai thầy kinh sư
… những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ (Mc 12, 38-40).
Con cũng có bộ áo thụng đen Thầy ơi. Lúc 5 giờ ngày 12.6.1998 là lần đầu tiên con được khoác lên mình chiếc áo ấy. Màu đen của áo tượng trưng cho sự lặng lẽ, chân chất, giản dị, mộc mạc, và âm thầm của đất. Khoác chiếc áo đó trên mình cũng đồng nghĩa là con phải chết đi cho thế gian để chỉ sống cho Thầy, cho tha nhân, và cho những giá trị Tin Mừng. Dù phận là nữ nhi, nhưng vì cũng “xúng xính trong bộ áo thụng,” con ví mình như “gã” kinh sư kia; và như thế, những lời Thầy nói về “gã” cũng là nói về con.
Không biết trong chiếc áo thụng đen, con có “ưa dạo quanh, thích được nguời ta chào hỏi ở nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự” như “gã” kinh sư kia không? Con nhớ đã nhiều lần trốn hoặc xin được ngồi tại một góc khuất nào đó trong các cuộc lễ hoặc tiệc tùng mà chẳng “thoát” đuợc, vì chiếc áo thụng đen cứ là “nổi bần bật” lên, và vì "người đời" tôn trọng con trong chiếc áo thụng đen, hoặc cũng vì con đang tháp tùng cùng bề trên nên được hướng xái sự tôn vinh. Thành thật mà nói, không ít lần, sự trân trọng của người khác khiến lòng con vui vui. Cũng không ít lần con “làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” mà lòng thì đang ở mãi tận đâu đâu, chẳng có tí tâm tình nào. Chao ôi, hoá ra con cũng không khác “gã” kinh sư kia là mấy!
Xin Thầy cho con biết khiêm tốn hơn, biết hoá mình ra không giữa đám đông ồn ào chen lấn, biết làm việc lành phúc đức mà không cần ai nhớ đến hay ghi ơn. Xin cho con thật âm thầm, âm thầm như đất bị người đời chà đạp dưới chân… để Thầy được lớn lên… để anh chị em con được lớn lên. Xin cho con cũng ý thức hơn trong các giờ kinh nguyện và biết kết hợp với Thầy trong mỗi phút giây của ngày sống, vì mỗi giờ kinh nguyện là mỗi lần con đến thăm Thầy và mỗi lần kết hợp với Thầy là mỗi lần con sống tình Thầy trò với Thầy mật thiết hơn. Mỗi lần gặp Thầy cũng là mỗi lần con gặp người thân của con trong Thánh Tâm Thầy, nơi đó con mè nheo, nhõng nhẽo xin cho họ điều này điều kia. Thầy sẽ buồn biết bao khi con chọn Thầy là “đối tượng duy nhất của lòng con” mà người ngự trong lòng con lại là “kẻ” khác, không phải là Thầy.
Phân đoạn hai: trong vai bà goá nghèo
Thầy ngồi đó, bơ bơ như một kẻ cầu bơ cầu bất đi ngang Đền Thờ, thấy mệt nên ghé vào bậc thềm ngồi nghỉ. Thầy ngồi đối diện với “thùng tiền dâng cúng” (Mc 12, 41a). Ngồi chơi ngắm trời ngắm mây trong khi cái chân nghỉ mệt, có việc gì làm đâu, thế là, Thầy “quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao” (Mc 2, 41b), vừa quan sát vừa bình luận. Công nhận Thầy rãnh thiệt!
Người qua kẻ lại bỏ tiền vào hòm cúng, nhiều lắm, nhưng khuôn mặt Thầy bình lặng, không phản ứng gì khác lạ. Thế rồi, một “mụ” goá lem nhem luốc nhuốc tiến lại. “Mụ” lục tung tất cả túi trong túi ngoài mới được “hai đồng tiền kẽm” (Mc 12, 42). Có chút ngần ngừ trên nét mặt và chút lưỡng lự trong bước chân, nhưng cuối cùng thì “mụ” cũng dứt khoát bỏ vào thùng “tất cả” (Mc 12, 44c). Thầy như nhỏm lên một xíu để nhìn cho rõ khuôn mặt “mụ,” rồi hết sức “bà tám,” Thầy quay sang lũ học trò ngồi rãi rác trên các bậc thềm và bắt đầu… “tám” chuyện.
Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12, 44).
Không nghe “đứa” học trò nào của Thầy phản hồi lại, nhưng Lời Thầy chắc chắn đã khắc sâu vào lòng họ. Họ đã quen với những bài học của Thầy, tuy khác với thực tế nhưng giá trị qua mọi thời. Trong khi người đời đánh giá nhau bằng số tiền “khủng,” Thầy đánh giá con người bằng trái tim của họ. Thầy đề cao số tiền mọn của một con người bé mọn vì lòng quảng đại của bà – dám cho đi “tất cả những gì bà có để sống.” Trong khi những tay giàu có, chỉ cho đi những gì họ “dư, thừa.
Ở khía cạnh thiêng liêng, con là người phụ nữ nghèo nhân đức. Người ta còn nói con “không xứng đáng là nữ tu!” Thầy ơi, từ ngày cảm nhận Tiếng Gọi của Thầy cho đến khi khoác chiếc áo thụng đen, rồi nhận Nhẫn Giao Ước, và thậm chí cho đến nay, con chưa bao giờ tự cho mình là xứng đáng với Thầy và với Ơn Gọi Thầy trao. Con biết con có quá nhiều khuyết điểm, giới hạn, tính xấu, và tội lỗi mà Thầy thì quá thánh thiện. Thầy cũng biết, con chẳng có nhân đức gì. Thậm chí, để tập một nhân đức, với người khác sao dễ dễ là, mà với con sao khó quá. Thầy biết đó là cả một trận chiến giằng co trong nội tâm con, phải không Thầy? Thầy ơi, con chỉ biết dâng cho Thầy tất cả: điều tốt lẫn xấu, nhân đức lẫn tội lỗi, yếu đuối lẫn can trường, chiến đấu lẫn thoái lui, và những nổi vất vả chiến đấu của con. Thầy đã nhận tất cả những gì bà goá dâng cúng, Thầy cũng nhận tất cả những gì là của con và biến nó thành của Thầy, nghen Thầy. Con biết cái gì là của Thầy thì cũng đều tốt hết.
* Chiều
Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn không có gì thu hút và hấp dẫn cả Thầy ơi. Con chưa bị đánh động bởi các điểm “anh ấy” giới thiệu. Giọng nói đều đều, trầm trầm, buồn buồn cùng với lý thuyết về các “điểm du lịch” khiến con thất vọng và vì thế thỉnh thoảng con lại ngắm ong bay bướm lượn ngoài vườn. Phân định thần loại trong phút hồi tâm nâng cao gọi đó là “cơn sầu khổ thiêng liêng” phải không Thầy? Con nhất định không để cho nó chiến thắng mình đâu. Mà con thấy: về Nhà Má sướng quá cơ Thầy ạ. Được học hỏi sâu sắc lắm. Ở nhà nguời thì chả được vậy đâu.
Không có gì mới mẻ hay đánh động con, nhưng có một điểm “anh” hướng dẫn viên đề cập đến cũng là điều con suy tư bấy lâu nay; vì vậy, con xin chia sẻ lại với Thầy. “Anh ấy” bảo là những người như “anh ấy” và chúng con không được nên thánh một mình vì trách nhiệm của chúng con là “giúp người xung quanh nên thánh. Nếu bỏ mặc họ là ích kỷ.” Thầy ơi, một người như con thì giúp ai nên thánh được? Con đã “tham vọng” và đã thoát ra khỏi bốn bức tường để dấn thân cho những người trẻ; nhưng rồi, va chạm với họ và cuộc sống bên ngoài, con sợ hãi và muốn thoái lui. Thầy bảo con phải làm sao đây? Xin cho con một dấu chỉ Thầy ơi, để sau hành trình thăm Thầy, con biết mình nên tiếp tục hay dừng lại...
A. Ngọc Hạnh, LCSP
26/6/2012
Đăng nhận xét