2016

[full_width] Vào những ngày cuối năm, không khí Tết nhộn nhịp, người người tuôn về quê hương xứ sở; quay về nơi mà những người thân yêu đang chờ đoàn tụ gia đình. Tôi cũng trong hành trình về Bắc trong dịp Tết Nguyên Đán năm đó. Hành khách trên máy bay rất đông. Khuôn mặt ai cũng như háo hức một điều gì đó khó diễn tả. Phía bên trái tôi là một người đàn ông chừng 50 tuổi và phía bên phải tôi là một một người phụ nữ chừng 40. Sau những lời chào xã giao, tôi biết người đàn ông là một người theo cái nghề "đặc biệt" và người phụ nữ là một doanh nhân và tôi tự giới thiệu là một giảng viên Đại Học.

“Tết thì người ta về quê; còn chết thì người ta về đâu nhỉ?” Tôi hỏi bâng quơ… Người đàn ông cười nhếch mép và nói: “Lo gì xa thế ông bạn? Sống là cho mình và cho hiện tại thôi…” Người phụ nữ bên cạnh quay sang nói với người đàn ông: “Em lo nhất điều đó! Nếu chết, không biết số phận tôi như thế nào? Thế nên em phải đi Chùa thường xuyên.” Người đàn ông đáp lại người phụ nữ: “Chùa chiền, hay Thiên Chúa cũng chẳng giúp được mình đâu! Tất cả các tôn giáo chỉ là phản ánh những ước mơ của con người mà thôi… Làm gì có Niết Bàn! Làm gì có Thiên Đàng…! Làm gì có Thiên Chúa!!!” Tôi đang cố gắng suy nghĩ để đưa ra câu trả lời thì người phụ nữ lại đáp người đàn ông: “Nhưng nếu không đến Chùa, em cảm thấy không yên tâm…” Người đàn ông đáp lại: “Cái làm cho người ta không an tâm cũng là do sợ bị nghèo đói và túng thiếu… Người ta hi vọng ở tôn giáo một sự cung cấp về mặt vật chất và yên ổn trong công việc làm ăn. Điều này chẳng bảo đảm chút nào cả, vì có người xin mãi cũng không được gì! Tôi chẳng tin gì, mà vẫn không sợ mình không đủ ăn. Bàn tay con người làm ra tất cả…!”

Bầu khí xung quanh trở nên yên tĩnh cách lạ thường. Người phụ nữ thiếp ngủ. Một lát sau, tôi bắt đầu chuyển qua những đề tài kinh tế, đời sống con người để nói với người đàn ông. Khi nhận thấy đã có sự đối thoại vui vẻ với nhau như là những người bạn, tôi nghĩ đây là lúc thích hợp để trở lại vấn đề cũ (đức tin). Tôi hỏi người đàn ông: “Trong cuộc sống, ông ao ước về điều gì nhiều nhất?” Ông ta trả lời: “Hạnh phúc!” Tôi mới bèn hỏi lại: “Vậy có đủ tiền là có hạnh phúc rồi?” Ông ta đáp lại: “Cũng không hẳn thế ông bạn ah! Chắc còn cần đến tình yêu nữa. Nhiều lúc tôi mơ về một tình yêu đích thực trong tương quan gia đình và bạn bè. Tình yêu giữa con người. Tôi ao ước một điều gì đó thật Hạnh Phúc, thật Đẹp, và Công Bằng.” Điều người đàn ông nói giúp tôi nhớ lại về một kinh nghiệm siêu nghiệm của Karl Rahner - một nhà thần học Dòng Tên, đã nói: một kinh nghiệm được lôi cuốn về cái gì đó rất linh thiêng được ví như là Chân, Thiện, Mỹ hay đúng hơn là gì đó không thể diễn tả. Cái đó là chính Thiên Chúa tự tỏ lộ cho ta. Kinh nghiệm này xảy ra với mọi con người, nhưng nó là siêu nghiệm, không rõ ràng với trí khôn con người. Kinh nghiệm này chỉ được diễn tả dưới dạng phạm trù. Tôi bèn hỏi ông ta tiếp: “Khi ước mơ về những điều này, ông có dám quyết định để sống theo không?” Ông ta trầm ngâm và lắc đầu: “Tôi không dám theo. Nhiều khi tôi áy náy trước những bất công, áy náy về những sai trái của mình, nhưng không biết phải làm sao.” “Ông biết điều đó là đúng và mang đến cho ông sự hạnh phúc, tại sao ông không làm?”, tôi tiếp tục hỏi ông ta. Ông trả lời: “nếu sống theo lương tâm và theo ước mơ của mình, tôi sẽ bị xa thải khỏi guồng máy của xã hội này. Tôi cũng sợ. Tuy nhiên, khi đứng trước ước mơ cao đẹp (Ao ước sống hạnh phúc - kinh nghiệm siêu việt) tôi cảm thấy có một cuộc sống thanh thoát và tự do; nhưng khi đối diện với những vấn đề của cơm áo gạo tiền, tôi lại sợ hãi.” Tôi lại hỏi tiếp: “Như vậy, tại sao ông khước từ Thiên Chúa nơi tôn giáo?” Ông đáp lại: “Bên ngoài thì tôi có vẻ từ chối, nhưng bên trong, tôi đồng ý nhiều điều với lòng tin của người Công Giáo. Nơi niềm tin này, người Công Giáo có thể diễn tả là mình trước một Thiên Chúa họ tin. Họ đã để Thiên Chúa lôi cuốn mình. Còn tôi, do ảnh hưởng quá nhiều với tư tưởng của những triết gia vô thần như Feuerbach và Karl Max, tôi đã nỗ lực rất lớn để chống lại những ai có niềm tin tôn giáo và muốn diệt trừ ý niệm về Thiên Chúa. Thật tức cười, tôi càng phản đối niềm tin của họ, thì họ càng tin hơn. Không biết bao giờ sự phủ nhận về niềm tin của chúng tôi kết thúc? Điều đáng tức cười hơn là chúng tôi như bị sự phủ nhận niềm tin này ám ảnh. Lúc nào nó cũng đeo bám chúng tôi và khiến chúng tôi cứ phải tìm ra lý do để biện minh những điều đi ngược lại với lương tâm của mình. Đôi khi tôi cảm thấy mệt mỏi lắm, nhưng vẫn nhủ lòng mình là hãy nỗ lực. Hình như trong những nỗ lực, thì đây là một nỗ lực lớn nhất trong cuộc đời để xóa đi cái tên “Thiên Chúa” trong đầu tôi; tuy nhiên nỗ lực của tôi lại bằng thừa, vì tôi đã không thể làm được chuyện này.” Câu chuyện đang đi vào một sự tĩnh lặng lạ thường, đột nhiên người phụ nữ bên cạnh cất tiếng về phía người đàn ông: “Oh, thì ra anh cũng có lo lắng đấy chứ! Xem chừng cái thao thức của anh về tôn giáo còn mạnh hơn em đấy!” Người đàn ông ấp úng, “nhưng… nhưng… cái lo lắng của tôi không phải là mê tín như những người đi Chùa kìa.” Tôi nghe xong thì cười và tự nói với lòng mình: “Ngày Tết, người ta về quê, phải chăng khi chết ai cũng phải về với Cha?”

Cuộc nói chuyện giữa tôi và ông cán bộ đi vào một chiều sâu thiêng liêng. Tôi thực sự không ngờ rằng ông ta sẽ chia sẻ những điều ấp ủ trong tâm hồn. Tuy nhiên, ngang qua chia sẻ của ông, tôi khám phá ra một giá trị luôn luôn hiện hữu. Đó chính là một hình ảnh Thiên Chúa vô hình luôn tác động và mạc khải Tình Yêu của Ngài trên mọi con người, dù người ta có muốn chối bỏ thực tại này. Như vậy, việc hướng về Thiên Chúa và được chính Thiên Chúa cho hướng về là một điều gì đó luôn xảy ra đời sống con người. Điều quan trọng là ta có dám sống cho sự lôi kéo đó không, hay mình cứ mãi cưỡng lại cho đến khi mệt mỏi, để rồi phải thốt lên như người đàn ông rằng: “Từ chối ý niệm Thiên Chúa là một nỗ lực lớn nhất trong cuộc đời của tôi… nhưng nỗ lực lại là thừa; vì tôi hoàn toàn bất lực trong việc chối bỏ này.”
Văn Ngụ
18/1/2013

Chiều nay (22/12) đi tĩnh tâm ở nhà thờ Fatima, ngày cuối của chuỗi 3 ngày tĩnh tâm của giáo xứ tổ chức. Cũng trong chiều nay các anh chị trong nhóm cũng mời gọi đi tĩnh tâm. Nhưng cuộc sống là sự chọn lựa. Và "Đây tĩnh tâm, đó tĩnh tâm thì cũng là tĩnh tâm ^^". Cuối cùng tôi quyết định chọn tĩnh tâm gần nhà!
Sau đây là một vài tâm tình đọng lại (nhớ mang máng) được cha giảng tĩnh tâm chia sẻ, với chủ đề là:

BÌNH AN TRONG TÂM HỒN


Cha đã nhấn mạnh sự quan trọng và nhắc đi nhắc lại những nguyên nhân gây mất bình an trong tâm hồn.

Có 4 nguyên nhân chính:

Đức tin: Không tin thì làm sao có sự bình an. Không tin thì khi đi xưng tội Chúa làm sao tha tội cho ta. Nhưng mà cũng cần cẩn thận với xã hội hôm nay, kẻo tin vớ vẩn, chuốc hại vào thân, hay là tin mù quáng gây ảnh hướng người khác.

Tội lỗi: Tội lỗi làm cho con người luôn sống trong bất an. Khi ta phạm tội gì đó, thì lương tâm áy náy, tâm hồn không bình an. Nhưng khi ta đi xưng tội, sám hối ăn năn, dốc lòng chừa cải thì tâm hồn ta sẽ cảm thấy bình an trở lại.

Lo sợ: Người mà luôn lo sợ thì làm sao bình an được. Nào là ra đường sợ xe tông. Đi qua nghĩa trang sợ ma chẳng hạn. Luôn trong tình trạng sợ sệt, từ những cái nhỏ nhặt như con chuột chạy qua cũng sợ, thấy cái mạng nhện cũng sợ... Thử hỏi rằng, như vậy làm sao đem lại bình an.

Vật chất: Suốt ngày cứ lo công việc, bám lấy công việc, và cứ nghĩ tới tiền, làm sao để có nhiều tiền, làm ra nhiều tiền, có nhiều tiền rồi thì lại muốn có nhiều hơn nữa. Thử hỏi rằng, tiền có mua được sự bình an tâm hồn không. Rồi lúc nào trong đầu cũng nghĩ tới công việc dù là ngày nghĩ lễ mà trong đầu cứ nghĩ tới công việc thì hỏi rằng, bình an nằm ở đâu.

Ngoài ra, theo ACE thế gian này có hạnh phúc hay không?
Xin thưa là có, nhưng là hạnh phúc thoáng qua, thoảng như mây trôi. Ví dụ đang đói meo mà có tô phở ăn thì hạnh phúc quá đi chứ. Rồi là, đang khát mà có trái dừa uống thì cũng hạnh phúc chứ. V.v..

Vậy, chỉ có bình an thật sự trong tâm hồn mới là bình an cần thiết cho cuộc đời chúng ta. Khi có bình an trong tâm hồn sẽ có hạnh phúc. Và khi chúng ta biết bám víu vào Chúa, thì chắc chắn sẽ tìm được bình an trong tâm hồn. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho chúng ta được "Bình an trong tâm hồn".
Xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta được "Bình an trong tâm hồn".
___

Kính chúc các Cha, các Soeur, các Thầy, các Anh Chị, các Bạn, các Em và toàn thể GĐ Thiên Ân, có mùa Giáng Sinh “bình an trong tâm hồn”, anh lành, thánh thiện, vui tươi. Và năm mới an khang thịnh vượng, mạnh khỏe và thành công.
Kính chúc.
QuocBao
23/12/2012


Đầu tháng 11, Bề Trên nhờ tôi lo một số giấy tờ; từ đó, tôi bận rộn hơn, vì ngoài công việc phụ trội này thì những công việc khác vẫn không bớt đi, chưa kể là còn được “cho thêm.” Tôi lúc nào cũng trong tình trạng “nợ nần” vì chưa tròn bổn phận. Không còn nhiều thời gian dành cho Gia Đình Thiên Ân như trước, tôi thỉnh thoảng mới chia sẻ vài suy tư và cảm nghiệm. Bận rộn là thế, tôi lặng lẽ rời “nhà” với ý nghĩ đen tối rằng khi nào thuận tiện sẽ về thăm.

Trong thời gian này, tôi nhận được mấy tin nhắn, đại loại: sao lâu rồi không thấy, 16 này đi làm hang đá nhé, Giáng Sinh này đi trại phong nha. Có một tin nhắn làm tôi xúc động, “Mong Dì sớm trở về nhà.” Tối qua, một tin nhắn khác lại đến với tôi, “Tại sao Dì không chịu trở về nhà?” Tôi cười bảo, “Web có vào được đâu.”

Sáng ra, chuông nguyện đường đổ dồn, tôi thức dậy ngợi khen Chúa, dâng ngày, rồi dọn giường. Trong khi dọn giường, cái câu nói “Mong Dì sớm trở về nhà” và “Tại sao Dì không chịu trở về nhà?” đột nhiên xuất hiện trong tôi. Rất nhanh, nó gõ vào trí tôi, như một lời trách móc và mời gọi của Đấng tôi quyết tâm trọn đời theo đuổi, “Sao không trở về nhà? Mong con sớm về nhà.” Từ giây phút ấy và suốt giờ suy gẫm, cho đến nay, tôi cứ miên man gẫm suy…

“Về nhà.” Tôi có nhà nào để về? Nhà cha mẹ ư? Tôi đã rời xa từ thuở bé để theo đuổi việc học và tập tu. Nhà Thiên Ân ư? Đó không là một nơi chốn cho tôi cư ngụ. Nhà Dòng ư? Tôi vẫn đang ở đấy thôi, nhưng đấy cũng chỉ là một chốn tạm bợ ở đời này. Nhà, tôi muốn nói, đó là cung lòng Thiên Chúa, là nội tâm lòng tôi.

“Sao không trở về nhà?” Khi nhìn xung quanh và nhìn vào chính cõi lòng mình bằng ánh mắt của Thiên Chúa, tôi thấy tôi đang không-ở-trong-nhà; thậm chí đang ở rất xa nhà, xa Cha. Chẳng phải tôi lúc nào cũng xét đoán và kết án người khác đó sao? Chẳng phải tôi lúc nào cũng thiếu bác ái, tha thứ, và yêu thương anh chị em đó sao? Chẳng phải tôi đã không nhiều lần chiều theo những cám dỗ hay cố tình phạm tội làm buồn lòng Cha đó sao? Tôi đã luôn gạt bỏ những lời khuyên nhủ của Cha để sống theo bản tính tự nhiên của mình, và để được tự do, tôi đã rời nhà, bỏ Cha, chạy theo những ảo ảnh và bóng mát bên đường đó sao?

“Mong con trở về nhà.” Có những phút giây nào đó nhớ Cha, tôi cũng mong được trở về, nhưng tôi chưa đủ dứt khoát. Cũng có lúc thật lòng muốn về, nhưng tôi e ngại, mặc cảm mình tội lỗi, Cha không thương. Bởi đó, dù quyết tâm hết lần này đến lần khác, nhưng cuối cùng tôi cũng chỉ đứng xa xa mà mong chờ, mà ngóng đợi. Mong chờ, ngóng đợi mãi cũng vẫn chỉ là hoài mong. Nó cần được thể hiện bằng hành động. Tôi cứ tưởng rằng mọi mong chờ của tôi đều là việc tôi chờ mong Cha, thật ra, Cha còn chờ mong tôi hơn cả tôi mong chờ Ngài. Tôi ơi, về nhà thôi.

Thưa Cha, trong những ngày còn lại của Mùa Vọng này, con mong về với Cha, nơi căn nhà nội tâm của lòng con, vì con biết Cha ở ngay đó, đang chờ con. Xin cho con trở về, thật sự trở về; không phải vì đói ăn, thiếu mặc; mà vì nơi đó có Cha. Con vọng – ngóng trông về với Cha bởi chỉ nơi Cha con mới được sung mãn và no đầy, và chỉ mình Cha mới đủ sức cảm hoá và thánh hoá con người con, để nhờ đó con cũng biết yêu người như Cha dạy con phải hằng luôn mến yêu. Con vọng – hoài mong về với Cha, bởi con biết Cha cũng hoài vọng – ngóng trông con quay trở về.
A. Ngọc Hạnh, LCSP
15/12/2012


Lời Chúa: Lc 21, 25-28.34-36

Ðức Giêsu nói về ngày Quang lâm của Người rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

Suy niệm:

Cuộc sống con người đầy những bất ngờ. Có những điều tôi nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra, thậm chí tin chắc sẽ không thể xảy ra được, vậy mà thực tế chúng lại xảy ra. Có những bất ngờ thú vị làm tôi ngất ngây. Có những bất ngờ đớn đau làm tôi hụt hẫng. Lắm người đi coi bói để biết trước tương lai, hầu mong tránh được những bất ngờ bi thảm. Người Kitô hữu tin rằng vũ trụ sẽ có ngày cùng tận, lịch sử sẽ kết thúc bằng biến cố Ðức Kitô quang lâm. Nhưng khi nào chuyện đó xảy ra, chẳng ai biết được. Nó giống như tấm lưới bất thần chụp xuống trên tất cả dân cư trên mặt đất. Thiên Chúa có tàn nhẫn không khi cứ thích cái bất ngờ, khi cứ để cho con người sống trong thấp thỏm?

Thật ra cái bất ngờ chỉ đáng sợ khi Ngài đến mà đèn chúng ta đã cạn dầu, và những nén bạc Ngài giao vẫn còn bị chôn giấu. Nếu chúng ta luôn thanh thoát, sẵn sàng, thì việc Ngài đến sẽ là một bất ngờ thú vị. Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Trái tim chúng ta dễ bị trì trệ, nặng nề, vì ăn nhậu say sưa, vì nuông chiều thân xác, hay vì quá lo lắng cho cuộc sống hiện tại. Cả những lo lắng chính đáng cũng có thể kéo ta đi xa, và làm ta đánh mất khả năng dừng lại. Chúng ta bị chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống mà quên tìm lẽ sống. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những điều kinh khủng những xáo trộn sâu xa trong vũ trụ vào ngày Chúa đến. Chúng ta không nên hiểu mọi hình ảnh ấy theo nghĩa đen. Ðiều quan trọng hơn là những xáo trộn nơi lòng người: lo lắng hoang mang sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc. Khi Ðức Giêsu ngự đến uy nghi như vị Thẩm Phán, nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước nhan Ngài, nhưng đối với những ai đã tỉnh thức, cầu nguyện, thì đây lại là giây phút được mong đợi từ lâu. Ðấng họ chỉ thấy trong lòng tin, nay được diện đối diện. Ðây là cuộc hạnh ngộ giữa những người yêu nhau. Chúa nhận ra tôi, tôi nhận ra Chúa, Và tôi hiểu rằng chẳng gì có thể chia lìa được chúng tôi. Tư thế của người biết mình sắp được giải thoát là tư thế đứng, đứng thẳng, đứng vững, đầu ngẩng cao, lòng tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng trước chiến thắng dứt khoát và trọn vẹn của Vua Giêsu. Mùa Vọng nhắc ta lần đến đầu tiên của Con Chúa, và nhắc ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Ngài. Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Ngài bất ngờ đến. Xin cho tôi luôn đứng thẳng, cao đầu ra đón Ngài, chẳng chịu bỏ lỡ một lần cùng Ngài gặp gỡ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất:
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.

(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Thứ Tư sau CN XXXI TN - Lời Chúa: Lc 14, 25-33

Cuộc sống càng phát triển thì nhu cầu con người cũng ngày càng tăng. Giữa đua tranh lợi nhuận, vàng thau lẫn lộn, người ta hoang mang nghi ngại làm sao chọn được một món hàng tốt, thực phẩm ngon, chuyến xe an toàn, ngôi trường uy tín, hay thầy giáo giỏi tận tâm. “Chất lượng cao” trở nên như tiêu chí hàng đầu cho người có nhu cầu, từ sản phẩm, văn hoá, giáo dục, cho đến con người. Chúa Giêsu hôm nay cũng trong tiến trình tuyển chọn “môn đệ chất lượng cao” để đào luyện và sai đi cho cánh đồng truyền giáo của Người.

Người ta đến với Người, đông lắm. Chẳng cần hỏi tên tuổi, quê quán, hay văn bằng, Đức Giêsu nhìn họ rồi bảo, “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ* cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Mt 14, 26-27).

Điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu lạ lùng, thật lạ lùng. Phải “ghét” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, mạng sống mình; và phải “vác thập giá mình.” Hội được những điều kiện này thì người đó mới “xứng đáng làm môn đệ” Người.

Có mâu thuẩn không khi chính Chúa Giêsu đã dạy phải yêu người, kể cả kẻ thù? Từ bỏ mạng sống như thế thì làm sao sống được? Ghét cha mẹ, anh em, chị em như thế làm sao tránh khỏi tiếng bất hiếu, vô tình, vô nghĩa? Để làm sáng tỏ điều này, Thánh Sử Matthêu trong chương 10 câu 37 giải thích việc “ghét” hay “dứt bỏ” này như sau, “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy; ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy.” Như thế, “ghét” ở đây có nghĩa là ai muốn đi theo Đức Giêsu thì phải yêu mến Người hơn tất cả những gì mình tha thiết nhất, kể cả người thân và mạng sống.

Cuộc sống con người là một chuỗi những chọn lựa. Chọn điều này thì phải bỏ điều kia. Có những điều xấu phải bỏ như rượu chè, bài bạc, hút chích, xì ke, nói hành nói xấu... Cũng có điều tốt phải bỏ để chọn cái tốt hơn như chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn thái độ sống hoặc bậc sống cho riêng mình. Sống là chấp nhận từ bỏ. Có những từ bỏ nhẹ nhàng và thanh thoát, nhưng cũng có những từ bỏ đòi hỏi nhiều hy sinh, vì từ bỏ khiến ta đau khổ hoặc luyến tiếc, như khi bỏ chiếc giường ấm êm để dậy đi lễ sớm; khi phải tắt tivi, ngưng máy tính, ngừng chơi games để đọc kinh tối với gia đình; hoặc phải kiềm chế dục vọng để gìn giữ trinh tiết cho nhau của một đôi bạn đang yêu. Từ bỏ là cách diễn tả tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Nếu không yêu, từ bỏ là một niềm đau.

Thông thường, người ta thích chọn cái dễ hơn cái khó, cái tầm thường hơn cái cao cả, khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền, và lợi ích cá nhân hơn là tập thể. Khi đưa ra điều kiện làm “môn đệ chất lượng cao,” Chúa Giêsu đòi buộc “ứng sinh” phải từ bỏ “hết những gì mình có.” Người biết đó là chọn lựa khó khăn nên căn dặn họ phải tính toán cẩn thận rồi mới chọn lựa dứt khoát: muốn xây tháp cần có tiền, muốn thắng trận phải có lính, muốn theo Chúa phải từ bỏ; từ bỏ ý riêng, tự do, những điều mình ưa thích nếu chúng đi ngược với Lời Chúa, hay làm cho mình xa cách Người. Không thế thì “không thể làm môn đệ tôi được.”

Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn mà Chúa nhắc tới ba lần cụm từ, “thì không thể làm môn đệ tôi” cho thấy tầm quan trọng của việc trở thành “môn đệ chất lượng cao” của Chúa là thế nào. Quả thật, cuộc sống này đáng yêu, của cải vật chất là cần thiết, và người thân là quý giá và đáng trân trọng; nhưng yêu Chúa và chọn Chúa cùng với những giá trị Tin Mừng mới là điều Chúa mong mỏi nhất nơi người môn đệ mang danh Kitô. Xin cho chúng ta trở thành “môn đệ chất lượng cao” khi dám chọn Chúa giữa những lựa chọn thường ngày, và dám vác thập giá theo chân Chúa bằng những từ bỏ nho nhỏ, để từ những từ bỏ nhỏ đó chúng ta sẽ dễ dàng từ bỏ lớn hơn.
________ 
*Dứt bỏ: dịch sát nghĩa là “ghét.”
A. Ngọc Hạnh, LCSP
07/11/2012


Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.

“Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.

Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này. Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.

Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì ? ”.

Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần. Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên. Chuyện gì đến cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt. Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Chẳng vậy, mà trong Phúc Âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.

Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính. Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.

Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” :

Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rỏ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.

Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.

Lời bàn:

Những lời cảnh báo này thật đáng suy nghĩ. Bao nhiêu lần tôi đi dự lễ ngày Chúa Nhật mà chỉ mong cha làm cho nhanh nhanh để tôi về còn lo làm chuyện khác. Tôi có chuyện gì đáng lo hơn là phần rỗi linh hồn của tôi.

Tôi có một công việc rồi, còn muốn kiếm thêm một công việc nữa đến nỗi không còn có giờ cầu nguyện nữa. Sống như điên, cày như điên như thế có phải là cuộc sống được chúc phúc không.
Đặng Tự Do


Thứ hai sau CN XXX TN: Lc 13: 10 - 17

“Đã có sáu ngày phải làm việc thì đến mà xin chữa bệnh ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabat!” (Lc 13, 14)

Suy gẫm đoạn Lời Chúa hôm nay mà giật mình. Lối hành xử của mình với tha nhân vẫn thường là như thế: hạch sách, hống hách, vô cảm, vô tâm, và cửa quyền.

Ngày Ba mất, đang lúc Ba hấp hối, cả gia đình bối rối, bé đến bảo, “Dì Út ơi, mở cái file này cho bé với. Sao bé không làm được.” Máy khởi động chậm rì. Trong kia, Ba đang khó nhọc thở những hơi cuối cùng. Giận quá, mình quát lên, “Tại sao suốt ngày rảnh rỗi và Ngoại không sao, bé không nhờ mà giờ này Ngoại đang hấp hối, bé lại nhờ?” Bé len lén nhìn mình, rồi đi vào phòng, nơi cả nhà đang giọt ngắn giọt dài bên Ba. Mình quỳ bên Ba đọc kinh cho Ba và trấn an gia đình, lòng vẫn không thôi áy náy vì thương cháu bị la, thương mình vì không kiềm được cơn giận, và thương Ba đang dần rời xa…

Những ngày làm việc tại Food Pantry, quần quật từ 7:15am - 10:30am. 8:00am Food Pantry mở cửa và10:30am đóng cửa. 10:30 dọn dẹp khâu cuối cùng xong, mình chỉ mong lên xe vọt về. 10:35, một phụ nữ lao vào… Người làm đã về hết, thức ăn cũng đã được dọn cất vào kho… Bực. Nhủ thầm, “Đã có hai tiếng rưỡi phát thức ăn, sao không đến nhận vào giờ đó, mà đợi đến giờ đóng cửa mới đến?” Nhìn người phụ nữ rướm nước mắt, vừa hối lỗi, vừa nài nỉ, “Sơ ơi, xin lỗi Sơ vì con đến trễ. Thật cám ơn Sơ nhiều quá. Gia đình con không còn một tí thức ăn, may nhờ Sơ thương nán lại phát thức ăn cho, chứ không, con chẳng biết làm sao. Chắc mấy đứa con của con phải đói mà đi học,” nỗi bực tan biến.

Và nhiều lần như thế…

Thầy Giêsu ơi, nếu Thầy là con, hẳn Thầy đã không hành xử như thế, dù chỉ trong tâm tưởng. Nhiều khi con cứ tưởng mình là ai kia để tự cho phép mình trách móc, hạch sách, hống hách, vô cảm, vô tâm, và cửa quyền với người khác. Khi con hành xử như thế, bản thân con có mấy vui và bình an đâu? Sao con không theo gương Thầy, nói một lời dịu dàng dễ nghe, hy sinh một chút, nhẫn nhịn một chút, bênh đỡ một chút, “Thế ngày Sabbat, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống? Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabbat sao?” (Lc13, 15-16). Lòng con đầy hổ thẹn. Hổ thẹn hơn, khi Thầy chưa một lần trách móc con, “Đã có 20 giờ trong ngày để ăn, chơi, ngủ, nghỉ thì ăn, chơi, ngủ, nghỉ trong giờ đó; đừng có ngủ và “bán ve chai” trong giờ thăm viếng Ta.”

Xin cho con biết hành xử như Thầy. Mỗi khi xảy ra điều bất như ý, xin cho con biết đặt mình vào vị trí của Thầy, “Nếu Thầy là mình, Thầy sẽ xử sự như thế nào?” để mà hành xử cho đúng đắn và tránh gây thương tổn cho người. Xin cho con cũng biết sử dụng thời gian Thầy ban cách hợp lý. Không lấy giờ công làm việc riêng, nhất là không cắt xén thời gian dành cho Thầy – trong Thánh Lễ, suy gẫm, cầu nguyện, xét mình, và Chầu Thánh Thể.
A. Ngọc Hạnh, LCSP
29/10/2012


Người ta thường sống nhờ những dấu hiệu, vì tự bản chất là thiếu niềm tin vào Thiên Chúa và thiếu tự tin vào bản thân mình. Người ta đòi cho được dấu hiệu này dấu hiệu kia hiển hiện tỏ tường để bảo đảm rằng ai đó yêu mình thật lòng, mình khỏe mạnh sung túc, mình đang được kính trọng, mình có quyền lực,...

Con người ngày xưa cũng đòi một dấu hiệu như thế từ Chúa Giêsu, một dấu hiệu từ trời, để kiểm chứng Người thật là thiên sai, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ hay không. Chúa chẳng cho dấu hiệu nào mà còn bỏ họ mà đi...

Khi đối diện với sự lừa lọc, dối trá, phản bội, giả hình... con như chìm đắm trong muôn ngàn thất vọng, bị đè bẹp dưới muôn triệu đổ vỡ niềm tin, tình yêu, tương quan, sự minh mẫn... Đổ vỡ này dẫn đến đổ vỡ kia, thất vọng này nối tiếp thất vọng nọ... Con cũng muốn tìm một dấu hiệu, để biết rằng đời không là như thế, để tin rằng tình yêu lẫn niềm tin vẫn tồn tại trong thế giới loài người, tình yêu của con người dành cho Chúa là tuyệt đối và có thực...

Con không đi tìm dấu hiệu ấy nơi Chúa, dẫu nhiều khi vẫn biết rằng Chúa đang thử thách niềm tin và tình yêu con dành cho Chúa, Chúa đang thanh luyện con nên vững vàng trong cuộc sống đầy dông bão, và Chúa mời gọi con đối diện với thực tại con đang sống với những mong manh, giới hạn của kiếp người...

Con hóa ra LỆ THUỘC vào THỤ TẠO hơn là vào ĐẤNG SÁNG TẠO, nhưng càng lệ thuộc, con lại càng thấy mình yếu đuối, càng vẫy vùng trong bóng đêm. Có một lúc nào đó con sợ Chúa cũng bỏ con mà đi...

Con biết, niềm tin vào Chúa con chẳng bao giờ mất, nhưng nó dường như đang dần lụi tàn như chiếc áo bạc màu theo thời gian... Song dẫu cho đốm lửa trong trái tim con chỉ còn loe loét, con cũng cố thổi bùng nó lên, nhờ sức mạnh của Thần Khí... Đừng bỏ con mà đi.
A. Ngọc Hạnh, LCSP
14/10/2012


“Nỗi buồn cho, nỗi buồn vơi một nửa. Niềm vui cho, niềm vui được nhân đôi.” Câu nói nghe có vẻ mâu thuẫn vì cùng một hành động “cho” nhưng kết quả lại trái ngược hoàn toàn. Tuy nhiên, “triết lý” buồn – vui này lại là phản ảnh trung thực của một quy luật sống bất biến, mà trong đó, khi con người chia sẻ nỗi buồn cho nhau, họ sẽ cảm thấy bớt buồn đau. Ngược lại, khi chia sẻ niềm vui cho nhau, niềm vui của người này sẽ lan toả sang người khác, và cứ thế nhân rộng mãi. Tin Mừng hôm nay chính là một biến cố vui có sức lây lan cho toàn nhân loại.

Trong đoạn văn ngắn gồm mười hai câu, thánh sử Luca đã trình thuật lại biến cố Truyền Tin, một biến cố được chọn làm khởi đầu cho Mầu Nhiệm Vui, vì qua biến cố này, Thiên Chúa chính thức khai mạc công trình cứu độ của Người. Cuộc “đàm phán” giữa Sứ Thần Của Chúa là thiên sứ Gabriel và Người Nữ Khiêm Hạ là Mẹ Maria, kết thúc với cái gật đầu ưng thuận và hợp tác của Mẹ, đã đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử loài người, khởi điểm cho Tình Yêu Cứu Độ lên ngôi.

Ngay từ phút giây đầu tiên, khi sứ thần cất tiếng chào mà cũng là lời mời gọi Mẹ đón nhận niềm vui thiên sai, ngài đã hồ hỡi reo lên, “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Lời chào này gợi nhớ lời sấm Xôphônia (3,14) ngỏ lời với phần tồn dư của Israel bị tản mác. Lời này cũng nhắc đến lời ngôn sứ Dacaria (9,9) trong bối cảnh là lời hứa ban một miền đất mới và một trái tim mới. Với Maria, sứ thần cũng nói một lời tương tự, một lời mời hãy đón nhận và sống niềm vui. Lời này thường được dịch ra thành lời chào chung chung, “Kính chào Bà!” Sứ thần chào Đức Maria bằng lời mời gọi hãy vui lên, vì Mẹ là Đấng đầy ơn phúc khi được Thiên Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa. Phản ứng của Maria là bối rối (Lc 1,29a). Lời sứ thần không đem lại bình an, niềm vui, và thanh thản, nhưng gây bối rối hoang mang. Gặp gỡ Thiên Chúa là thế. Đây là phản ứng tiêu biểu của con người khi đối diện với thách đố hay sứ mệnh Chúa trao. Tuy nhiên, Maria “tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29b); tức là Mẹ tìm hiểu, chứ không để cho mình bị nỗi sợ hãi áp đảo. Sứ thần tiếp tục can thiệp để xoa dịu nỗi bối rối sợ hãi của Maria, “Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (30). Sứ thần đã nói tất cả những gì phải nói. Còn Maria, đã tự do xin được giải thích và đã hiểu những gì Thiên Chúa muốn mình làm. Rồi thiên sứ ra đi, nhưng Thiên Chúa ở lại trong lòng Maria, và sứ mệnh truyền tin của Mẹ cũng bắt đầu. Mẹ lan truyền niềm vui cho Elizabeth, rồi sau này, chính Gioan, ngay khi còn trong bụng mẹ cũng đã nhảy lên vui sướng vì được “Thân Mẫu Chúa viếng thăm” (43). Niềm vui ấy càng toả lan và nhân rộng cho toàn thế giới, vì từ khi đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa đã được ban cho nhân loại. Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể, tử nạn, và phục sinh để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết hầu dẫn đưa đến sự sống vô cùng của Thiên Chúa và với Thiên Chúa.

Khi đón nhận lời truyền tin của sứ thần, Mẹ Maria đã khiêm tốn xin vâng cho dầu đã có một thoáng bối rối. Mẹ đã chấp nhận làm người “mang” và đưa tin vui đến cho nhân loại. Sự chấp nhận đem lại cho Mẹ không ít những đau khổ và phiền muộn vì bị hiểu lầm, nhưng cũng là bằng chứng cho thấy Mẹ luôn tin tưởng, tín thác, và yêu mến Chúa hết lòng.

Mừng trọng thể Đức Mẹ Mân Côi hôm nay cũng là dịp để mỗi người chúng ta duyệt xét lại cuộc sống của mình. Hằng ngày, chúng ta vẫn luôn đón nhận mọi ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, thế nhưng ân sủng ấy có lớn lên trong chúng ta không? Chúng ta có cộng tác với những ân sủng ấy để làm cho niềm vui và tình thương của Chúa lan tỏa đến những người xung quanh không? Hay ân sủng ấy đã bị chúng ta chôn sâu cất kỹ? Hay chúng ta đã để cho những hòn đá của sự ích kỷ, những ngọn lửa của hận thù, những con đường mòn của những tính hư nết xấu thay nhau chèn ép, khiến cho những hạt mầm của ân sủng không thể lớn lên trong chúng ta? Câu trả lời là của mỗi người chúng ta.
A. Ngọc Hạnh, LCSP
2/10/2012


Các Tông đồ vì sợ người Do Thái nên đã quy tụ bên nhau trong căn phòng đóng kín. Các ông sợ hãi và lo lắng nên dường như mất đi sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng trong tâm hồn cũng giống như ngọn nến kia đang run rẩy, dập dờn trước cơn gió mạnh như muốn nuốt chửng lấy nó. Trong khi sự hoảng sợ đang âm thầm gặm nhấm các Tông đồ thì Chúa Giêsu hiện ra. Điều đầu tiên Chúa Giêsu nói với các ông là: “Bình an cho anh em” Bình an là điều đầu tiên Chúa nói khi người gặp lại các Tông đồ, vì Ngài biết các Tông đồ cần bình an hơn tất cả, Ngài biết các ông đang lo lắng và hoảng sợ. Đó phải chăng cũng là điều Chúa muốn gửi gắm cho mỗi người trẻ chúng ta trong cuộc sống thường ngày! Vì Ngài biết rằng trong cuộc sống ngày nay không phải tất cả chúng ta đều có sự bình an! Giây phút này chúng ta hãy soi vào sâu thẳm tâm hồn mình, chúng ta đã thực sự bình an hay chưa?

Có là bình an không khi chúng ta-những tân sinh viên còn đang bỡ ngỡ - hào hứng đó nhưng cũng lo lắng vì sống trong một môi trường mới với những thầy bạn mới, không còn được ủ ấp trong vòng tay của cha mẹ, lo lắng về học tập, về chỗ ăn ở hay làm sao để giữ vững đức tin trong một môi trường có thể nói là ‘cỏ lùng’ nhiều hơn ‘lúa’ này!

Có là bình an không khi chúng ta, những sinh viên, lo lắng để vượt qua các kì thi, lo lắng về những chi phí cho từng bữa ăn, lo lắng trước những rung động đầu đời hay trước một lối sống hiện đại đang len lỏi vào đời sống sinh viên và dần xa Chúa trong những cuộc vui chơi!

Có là bình an không khi chúng ta, những sinh viên đã ra trường, đang mải mê tìm kiếm một công việc với mức lương khá để có thể trang trải cuộc sống và hỗ trợ cho những đứa em đang học, hay lo lắng trước một môi trường hoàn toàn khác trước-có nhiều cạm bẫy và nhiều sự dối trá hơn, vậy làm sao để giữ được mối dây với Chúa đây!

Các bạn mến! Có thể do áp lực hay thất bại trong công việc, trong học tập và cuộc sống, hay thiếu thốn tiền bạc, hay những thiệt thòi trong nhiều điều khác… mà ta cảm thấy lo lắng và mất bình an, thế nhưng đừng bao giờ hỏi tại sao tôi đẹp trai hay đẹp gái, tôi học giỏi, giầu sang của cải, địa vị mà vẫn cảm thấy mất bình an! Đó là điều có thể lắm nếu như tâm hồn ta thiếu vắng Thiên Chúa. Vì bình an đích thực xuất phát từ Thiên Chúa và cũng chỉ trong Ngài mà ta duy trì được sự bình an đó mà thôi!

Các bạn biết không! Do hậu quả của tội lỗi và của việc lạm dụng tự do nên khi được sinh ra trên trái đất này, chúng ta phải đối mặt với muôn vàn sự dữ, đau khổ. Sách Sáng Thế ký thuật lại: ‘Từ nay ngươi phải làm lụng vất vả đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có mà ăn, còn ngươi phải mang nặng đẻ đau…mi phải ăn bùn đất suốt đời mi’. Và hậu quả nặng nề nhất là con người phải chịu cái chết đau thương…trầm luân muôn đời. Lo lắng và mất bình an cứ bám lấy chúng ta là vì thế! Con người quá nhỏ bé, theo Pascal thì ‘Con người cũng chỉ là cây sậy biết suy tư’. Con người bị ‘quẳng ra đó’ với đầy sự nguy hiểm, không thể tự mình sống nếu không được trợ giúp. Thế nên chúng ta có thể làm được gì nếu không là phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa-Đấng đã sinh ra ta! Vả lại, chúng ta lo lắng điều này điều kia cũng vì tin rằng nếu cố gắng thì mình sẽ lo liệu được. Nếu mình tự lo liệu được tất cả thì thử hỏi Chúa có còn làm việc được gì nơi mình không? Nói theo cách nào đó thì mình đang ngăn cản Chúa làm việc trên cuộc đời mình, để chỉ mình làm chủ công việc, cuộc sống của mình mà thôi! Thiên Chúa đã không còn chỗ đứng trong lòng nhân loại. Giờ đây Ngài có thể làm được gì khi cánh cửa tâm hồn con người đã bị khóa kín? Thử hỏi Thiên Chúa có đau đớn không?

Thế nhưng, trái lại với sự bất trung và thờ ơ của con người, Chúa Giê-su vẫn một mực trung kiên, thương yêu vô bờ bến, Ngài không hề bỏ rơi con cái Ngài. Như 1 sự gửi gắm yêu thương cuối cùng cho trần gian-nơi đầy dẫy những tỗi lỗi, lo lắng và đau khổ- Chúa Giê-su để lại bình an và Thánh Thần cho các Tông đồ, cũng là cho mỗi người chúng ta trước khi Ngài về cùng cha.Tín thác rằng Chúa Thánh Thần đang hiện diện và làm việc 1 cách sống động trong thế gian này, giữa chúng ta đây. Chúng ta cùng nguyện xin Chúa Thánh Thần thổi luồng gió mới vào tâm hồn mỗi người chúng ta. Để chúng ta hân hoan bước vào năm học mới với 1 sức sống mới, tinh thần mới, cố gắng mới, ước mong biến đổi chính tâm hồn chúng ta và môi trường sống của chúng ta. Gia đình Thiên Ân mến! Lo lắng, đau khổ vẫn còn đó, trong mỗi chúng ta hay trong những mảnh đời xung quanh ta. Thế nhưng hãy tín thác ‘gửi gắm’ những lo lắng cho Chúa để chúng ta đến với nhóm và với nhau trong sự vui tươi, thánh thiện, để góp chút ‘muối’ của yêu thương và chút ‘men’ của lòng nhiệt thành. Xin cho chúng ta biết ‘trao thân quen, kết bằng hữu’, trao nhau thêm 1 cái nắm tay, hơn 1 nụ cười như 1 nhịp cầu của tin yêu và hiệp thông. Vì khi chúng ta sống vui tươi, bình an, hạnh phúc thì đó là hoa trái của Chúa Thánh Thần, và là bằng chứng của sự bình an đích thực mà năm xưa Chúa Giê-su đã trao cho chúng ta.

Ps: Xin phép phó nội nha, thấy cả nhà, đặc biệt là BĐD đang tất bật lo đủ thứ chuyện, hy vọng bài chia sẻ giúp cả nhà có đủ thời gian dừng lại tí xíu để cảm thấy bình an hơn!
CuMeo
20/9/2012
Bình Luận:
Hay quá anh ơi! Thích câu này quá: "đừng bao giờ hỏi tại sao tôi đẹp trai hay đẹp gái, tôi học giỏi, giầu sang của cải, địa vị mà vẫn cảm thấy mất bình an! Đó là điều có thể lắm nếu như tâm hồn ta thiếu vắng Thiên Chúa."
Buiquan0707
Cảm ơn Cumeo. Bài chia sẻ hay lắm, có chiều sâu. Nhưng xin góp ý một chút. Mình nhận thấy có câu này không ổn: "Thế nhưng, trái lại với sự bất trung và thờ ơ của con người, Chúa Giê-su vẫn một mực trung kiên, thương yêu vô bờ bến, Ngài không hề bỏ rơi con cái Ngài." (đầu đoạn cuối) Trong tương quan với Chúa Giêsu, chúng ta là anh em, chứ không phải con cái. Chúng ta chỉ là con cái Chúa Cha thôi.
NamHoang
Cảm ơn... hình như là đến "anh" đồng hành mới thì phải. Tương lai có người quánh giá cho mấy bài chia sẻ này rồi, trước giờ "cây nhà lá vườn" không thôi, thì ra cũng có lúc mình "lạc đạo" thế này! Cảm ơn thầy rất nhiều! Hẹn sớm gặp thầy (dù biết là tên Nam.SJ k lạ nhưng chưa nhớ ra thầy, hì hì)
CuMeo


Thứ Năm sau CN XIX TN

Lời Chúa: Mt 18, 21 - 19, 1

Nhà có bốn đứa: Tí, Tẹo, Tèo, Teo. Một hôm, Tí, Tẹo, và Tèo dẫn Teo đến gặp bố và bảo, “Bố, thằng Teo ngổ nghịch quá, tụi con hết chịu nổi. Bố phải đuổi nó đi, không thì chúng con sẽ bỏ nhà đi đó.” Teo nhìn ba anh chị, rồi nhìn bố, rơm rớm nước mắt vì lo sợ. Bố nhìn Teo, rồi nhìn Tí, Tẹo, và Tèo, ôn tồn bảo, “Tí, Tẹo, và Tèo lớn rồi nên bố không phải lo nữa; vì vậy, chúng con muốn đi đâu thì đi, nhưng Teo thì còn quá nhỏ, chưa biết phân biệt phải trái nên hay lỗi phạm điều này điều kia. Bố chưa an tâm về Teo, vì vậy, con phải ở lại đây với bố để được sửa dạy thêm.”

Câu chuyện gợi nhớ trình thuật mà Thánh Sử Matthêu hôm nay thuật lại:

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng, "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp, "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng, "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả." Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng, "Hãy trả nợ cho ta." Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh." Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng, "Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan. (Mt 18, 21 - 19, 1)

Đối với Phêrô, môn đệ của Đức Giêsu thì phải tha thứ, nhưng tha thứ cũng có mức độ hay giới hạn nào đó, chứ ai rãnh rỗi mà tha hoài. “Quá tam ba bận” hay bảy lần đây? Ông lon ton đến hỏi Thầy để xác định cho chắc, “Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Nguợc với những gì ông chờ đợi, Thầy bảo, “Bảy mươi lần bảy lận con ơi.” Câu trả lời của Thầy cho ông biết rằng: tha thứ không bao giờ là đủ; tha thứ không có giới hạn hay mức độ; không ai được nói rằng, “Tôi đã tha thứ đủ rồi, bây giờ tôi không còn bị buộc phải tha thứ nữa.”

Và chuyện kể về Đức Vua (Thiên Chúa) và con nợ của ngài:

“Mười ngàn nén bạc” là một món nợ kếch xù và con nợ tuyệt đối không có khả năng thanh toán. Nếu ông chủ nhất định đòi lại nợ, người đầy tớ sẽ mất hết những gì làm nên cuộc sống của anh. Anh sẽ phải thanh toán món nợ bằng chính bản thân, tự do, gia đình, và tài sản. Anh sẽ mất tất cả và cuối cùng rơi vào tình cảnh khốn quẫn hết sức thê thảm, thậm chí tuyệt vọng. Người chủ biết rõ hoàn cảnh tuyệt vọng của anh và đã động lòng thương trước lời khẩn cầu. Ông không chấp nhận cho anh gia hạn, nhưng xóa hoàn toàn món nợ cho anh. Như thế, anh không những được giải thoát khỏi món nợ, nhưng còn thoát khỏi nỗi bất hạnh và cảnh khốn quẫn đe dọa anh lâu nay. Anh được phục hồi sự sống. Thế nhưng, thay vì biết ơn và noi gương chủ, anh đã tỏ ra ác độc và nhẫn tâm với người chỉ nợ anh một khoản rất nhỏ. Do thiếu lòng thương xót, anh mất tất cả những điều tốt đã nhận: nhà vua bỏ anh vào ngục và cho lý hình hành hạ cho đến khi anh trả xong món nợ.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta chấp nhất nhau những lỗi rất nhỏ nhặt. Vì một cái lợi rất nhỏ, chúng ta sẳn sàng khai trừ anh em ra khỏi quỹ đạo yêu thương. Chúng ta quên mất một điều quan trọng: Thiên Chúa đã tha thứ những lỗi lầm của chúng ta cách vô điều kiện bằng một trái tim vô giới hạn. Mỗi ngày tham dự Thánh Lễ hay trước giờ ăn, chúng ta thường thân thưa cùng Chúa rằng, “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ với chúng con” (Mt 6, 12). Sâu xa hơn, khi cầu nguyện như thế, chính chúng ta đang thưa với Chúa, “xin Cha đừng tha thứ cho chúng con, nếu chúng con đã không tha thứ cho người ta” bởi vì Cha (chỉ) “tha nợ cho chúng con” trong mức độ chúng con đã “tha cho kẻ có nợ chúng con.” Mà nếu chúng ta không tha cho anh em, làm sao Cha trên Trời có thể tha cho chúng ta?

Lạy Cha chúng con ở trên Trời, vì lòng nhân lành vô biên, Cha đã tha thứ tội lỗi chúng con, xin cho chúng con cũng biết tha thứ cho nhau. Xin cho chúng con ý thức hơn lời Kinh chúng con cầu xin mỗi ngày để chúng con quảng đại hơn với anh em, hầu chúng con nhận được sự thứ tha của Cha. Xin cho chúng con cũng nhận chân được phúc lành của mối phúc thứ năm, “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
A. Ngọc Hạnh, LCSP
16/8/2012


Thằng bé mặc bộ đồ xám xịt và ở trong 1 căn nhà hoang vì nó mồ côi cha mẹ và không có ai ở cùng, công việc hằng ngày của thằng bé là đi làm thuê làm mướn, đi câu cá trộm để mong có được cái ăn cái mặc hàng ngày. Rồi đến một tối, bụng nó cảm thấy đói meo và dường như đã lâu lắm rồi nó chưa được ăn một bữa cơm ngon miệng, cơn đói làm cho nó không ngủ được và nó tỉnh giấc vì dường như cái bụng nó điều đình quá mức. Nó tỉnh thức và dường như trong đầu nó lóe lên 1 ý định gì đó….

Trộm... trộm... tiếng la inh ỏi của bà con chòm xóm khi phát hiện có 1 tên trộm đã đột nhập vào từng nhà và đã lấy trộm đi một số thứ: nhà mất gà, nhà mất hũ mắm, nhà mất nồi… nhưng chẳng ai có thể bắt được tên trộm.

Sáng sớm hôm sau, cả xóm nhỏ trở nên ồn ào vì ai cũng muốn tìm ra tên trộm tối qua đã lẻn vào từng nhà và trộm đi một số thứ trong nhà họ nhưng tìm mãi mà vẫn không thể biết tên trộm kia là ai; còn cậu bé thì ngồi ăn tô cháo trong sự thinh lặng và lắng nghe câu chuyện của bà con tròm xóm. Tuy nhiên, câu bé không hề hay biết rằng vẫn có những đứa trẻ đồng lứa với cậu đã biết chuyện cậu làm và họ bắt đầu lên kế hoạch “C” dành riêng cho cậu. Rồi thì kế hoạch “C” được diễn ra một cách tốt đẹp, cậu nhận được những món quà nhỏ bé từ đám bạn là bộ quần áo mới toanh cùng lời hứa tìm công việc làm thêm cho cậu để cậu có một công việc đàng hoàng và lương thiện.

Đó là câu chuyện phim mà tôi đã được xem tối qua trên truyền hình, một câu chuyện ngắn với những đứa trẻ nhưng để lại một thông điệp vô cùng ý nghĩa và hay trong cuộc sống này. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến câu chuyện khác, câu chuyện thứ 2 mà tôi nghĩ cũng gần giống như câu chuyện này nhưng kết cục thì lại hoàn toàn khác

Chuyện về vị vua Hê-rô-đê của nước Do Thái khi xưa, vị vua này đã bắt giam và muốn giết Gioan Tẩy Giả, người mà đã đứng lên và nói ra sự thật về tội lỗi mà vua đã phạm. Gioan Tẩy giả đã chuẩn bị một kế hoạch “C” cho vua Hê-rô-đê với hi vọng vua có thể nhận ra lỗi lầm của mình khi lấy người chị dâu làm vợ của mình, đồng thời Gioan muốn vua có thể thay đổi và hoán cải để có cuộc sống tốt hơn.. Nhưng thay vì cám ơn Gioan vì đã giúp vua nhận ra lỗi lầm của mình và món quà là lời khuyên bổ ích đó thì vua lại ra lệnh bắt ông và tống giam vào ngục. Rồi thì một lần bị cám dỗ bởi vẻ đẹp của một người con gái mà vua đã hạ lệnh trảm ông Gioan. (Mt 14, 1-12)

-------------------------


Trong cuộc sống hằng ngày, việc mắc phải những sai lầm dường như là điều không thể tránh khỏi với mỗi người chúng ta, điều quan trọng là ta có nhận ra được những sai lầm đó hay không. Trong nhiều lúc, bạn bè ta, những người thân yêu của ta nhận ra những sai lầm của ta và họ cũng có một kế hoạch “C” thông qua những lời khuyên, lời góp ý bổ ích với hi vọng ta có thể thay đổi và sống tốt hơn. Quyết định cuối cùng là từ bản thân ta: giống như cậu bé kia là chọn thay đổi theo hướng tốt hay như là vua Hê-rô-đê “xử trảm” cả người tốt đó?

Lạy Chúa, xin ban cho con được sự minh mẫn để con có thể nhận ra những lỗi lầm của con trong hằng ngày và con cũng có thể nhận ra những người mà Chúa muốn gửi đến bên cạnh con để giúp con nhận ra những lỗi lầm và giúp con thay đổi để hướng về điều chân thiện mỹ.
Smallrabbit
03/07/12


Nhà Em nghèo. Từ nhỏ Em đã sống xa Cha Mẹ. Em ở thị trấn với các anh chị để đi học trong khi Cha Mẹ quần quật ở làng quê cầy sâu cuốc bẫm. Cơm Em ăn không đủ no nên có hôm Em ngất xỉu nơi tháp chuông Nhà Thờ. Em hiền lắm.

Sáng 16.01.1981, lúc 9:00, Em đến thăm Anh. Quan sát Anh làm việc một lúc, Em bắt đầu hỏi,

- “Anh, anh làm cái gì vậy?” Em nhỏ nhẹ.
- “Rẹt rẹt.” Chỉ có tiếng chiếc bào gỗ cùng dùi đục lên tiếng.
- “Anh, anh đang làm cái gì vậy?” Em lập lại.
- “Rẹt Rẹt.” Anh không trả lời, mắt dán vào tấm ván đang bào.
- “Anh, anh đang làm cái gì vậy?” Em hỏi lần thứ ba. Anh ngừng tay, ngẩng đầu lên nhìn Em cười.
- “Anh đang đóng tủ,” Anh trả lời. Kỳ thật Anh đang đóng hòm.
- “Mai mốt anh đóng cho Em một cái nghen,” Em nài nỉ.
- “Ừ.” Anh trả lời, cốt để Em thôi lải nhải làm anh mất tập trung vào công việc. Được lời hứa của Anh, Em bỏ đi.

Chiều. Lúc 3:00 giờ, Em chết. Em chết trên đuờng đi đón Chị đi làm về. Chiếc máy cày to lớn cán qua người Em. Em chết không một lời trăn trối. Anh dẹp bỏ mọi công việc, đến thăm Em, và dày công làm cho Em tấm hòm đẹp nhất. Anh dùng loại cưa kim cưa từng chữ cái nhỏ để dán lên hòm Em. Bên trái là hàng chữ CẦU CHO LINH HỒN PHÊRÔ NGUYỄN NGỌC HIẾU và bên kia là SỰ SỐNG KHÔNG MẤT NHƯNG CHỈ ĐỔI THAY.

*****

Hôm nay, Bà Góa từ làng quê Canaan lôi thôi lếch thếch đến gặp Thầy Giêsu, vốn nổi tiếng nhân lành và tài giỏi, chữa bệnh bách phát bách trúng. Không ai đến với Thầy mà không khỏi bệnh. Bà là người Canaan. Thầy và các Đệ Tử của Thầy là người Do Thái. Người Do Thái không ưa người Canaan, vốn bị cho là “con chó ngoại đạo.” Thương con, đứa con gái duy nhất đang bị quỷ ám, Bà vượt qua e dè, mặc cảm, sợ hãi, và lo lắng để đến với Thầy. Mà thật sự, nếu không đến với Thầy, Bà biết đến cùng ai?

Đường xa mệt mõi chẳng kịp nghỉ ngơi, vừa thấy Thầy, Bà lếch đến cạnh bên,

- “Thầy ơi, xin thương xót tôi. Con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm." Thầy không đáp lại một lời.

Bỏ qua mặc cảm và lòng tự trọng vốn có, bà tiếp tục kêu xin,

- “Thầy ơi, xin cứu giúp tôi.”

Không thèm liếc mắt nhìn Bà, Thầy, cái vị Thầy nổi tiếng nhân lành và đức độ, buông một câu,

- “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó.”

Shock! Tự ái dâng cao. Lòng tự trọng bị chà đạp thậm tệ. Nhưng không, Bà ôn tồn tự nhận mình là chó, và lại là con “chó con.”

- “Vâng, thưa Thầy, nhưng chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống.”

Lặng. Bà không xin điều gì lớn lao, ngoài trừ mảnh vụn thừa thãi rớt xuống từ bàn ăn, sau khi con cái trong nhà đã no nê thừa mứa. Chao ôi tấm lòng một Bà Mẹ! Chao ôi một niềm tin mạnh mẽ! Thầy chịu thua.

- "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy." Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Làm sao Thầy lại không chạnh lòng cho được? Người chỉ thử thách Bà thôi, hay nói đúng hơn, Người đang muốn cho con cái của Người thấy: lòng tin của họ không bằng một “con chó ngoại đạo” mà họ đang khinh khi.

Thầy ơi, xin ban cho con lòng tin như Bà. Xin cho con biết lải nhải cầu xin khi niềm tin của con dường như lụi tắt, để nhờ cái lải nhải khuấy động của con, Thầy chạnh lòng mà ban cho con điều con cầu xin.
A. Ngọc Hạnh, LCSP
15/12/2011


Đang loay hoay suy nghĩ đi tìm chủ đề cho bài viết, để đăng lên website nhóm nhằm xóa đi sự ảm đạm trong những ngày hè. Tôi cầm trên tay cuốn sách tin mừng, rồi vô tình lật được câu nói Chúa Giê-Su đã nói với Tô-ma: "Vì con thấy Thầy nên con đã tin, phúc cho những ai đã không thấy mà tin".

Vậy là tôi quyết định viết về niềm tin của người Ki-Tô hữu. Trên con đường hằng ngày từ chỗ trọ đến trường, tôi bắt gặp không ít những cảnh đời éo le. Không biết họ có chung niềm xác tín với tôi vào Thiên Chúa không? Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng tôi không cùng niềm xác tín, thì họ cũng sẽ tin vào ông trời, cái ông mà hằng ngày vẫn ở sâu thẳm trên trời cao kia. Trong cuộc sống xô bồ và đầy cạm bẫy này, niềm tin vẫn không ngừng được tôi luyện và thử thách! Nhìn lại những mảnh đời đầy chắp vá kia, với những giông tố và bão bùng trong cuộc sống. Vậy mà ở họ, tôi thấy niềm tin không bao giờ tắt, những nghị lực phi thường trong những đôi mắt đã trĩu nặng vì suy nghĩ và tâm tư. Thế mà họ đã vấp ngã đâu, họ vẫn đang đi trên mặt biển và tiến thẳng đến Chúa đấy chứ!

Nhìn lại cuộc đời Ki-Tô hữu, tôi cảm thấy xấu hổ về chính bản thân mình. Khi vui, khi hạnh phúc tôi tán tụng, tạ ơn Thiên Chúa. Khi buồn, khi gặp thử thách tôi lại thầm trách Chúa bất công. Điều đau đớn hơn, mỗi lần như thế lại càng kéo tôi ra xa bàn tay Chúa. Thậm chí tôi còn quên mất Người trong những giờ lễ hằng ngày, trong những giờ kinh phụng vụ hàng đêm. Rồi cũng đến một ngày, tôi bất giác nhớ về lời kinh tiền tụng vẫn vang lên hằng ngày trong Thánh lễ: "Những lời ca tụng của chúng con chẳng giúp ích gì cho Chúa, nhưng mang lại cho chúng con sự sống đời đời". Không có tôi, Chúa vẫn luôn tồn tại. Mặt trời vẫn luôn sáng cho tất cả mọi người cho dù tôi có nhắm mắt để không nhận cái ánh sáng ấy! Thế mà niềm tin của tôi đôi lúc cũng chẳng đủ để nhận ra.

Lạy Chúa, thử thách Người luôn đặt ra cho con, để con vững vàng với thánh giá mà Người đã đặt trên vai. Nhưng tôi tớ Người thật yếu đuối và lòng tin thật quá yếu mềm. Xin cho con đừng rời xa Người, đừng đánh mất niềm tin ở nơi Người. Vì không có con, Chúa vẫn luôn tồn tại, mặt trời vẫn luôn tỏ sáng vầng dương!
Only Love
2/8/2012


“Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13, 47-48).

Mấy hôm nay báo chí rầm rộ đưa tin kẻ sát thủ xâm hại bé gái tám tuổi và giết chết bé gái bốn tuổi, vì em khóc khi thấy chị bị hãm hại. Vụ án rúng động tâm tư bao người vì tính chất dã man. Người chết thì đã chết. Nỗi đau của người cha, người mẹ, và người thân rồi sẽ qua đi. Tội ác rồi sẽ bị đền phạt. Nhưng vết thương trong lòng bé gái, của nguời vợ trẻ và đứa con thơ có chi bù đắp được? Xót xa cho những kẻ xấu số, người ta tự hỏi sao thế gian có kẻ cuồng dâm như thế? Cũng được sinh ra trong thế gian, được ăn, được học, được giáo dục mà sao…

Nước trời cũng giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, nguời ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Biển là thế gian, cá là nhân loại, dân chài là tông đồ, và lưới là Giáo Hội và những công việc của Giáo Hội.

Chào đời, ta là cá vẫy vùng trong biển thế gian. Lãnh Bí Tích Rửa Tội, ta là tông đồ. Trong Nước Chúa, ta vừa là cá vừa là tông đồ, người tông đồ phải đi lưới cá cho Chúa. Tông đồ là một trong những mắc lưới đan xen vào nhau trong cùng một chiếc lưới Giáo Hội để lưới cá đạt hiệu quả cao.

Nước Trời giống như chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Ta là loại cá nào trong lưới Giáo Hội? Cá tốt thì được cho vào giỏ, cá xấu sẽ bị vất ra ngoài trong ngày sau hết của Thời Cánh Chung. Ta cũng được sinh ra trong gia đình có cha có mẹ, được ăn được mặc được học hành, được hít thở cùng một bầu trời, và hưởng nắng mưa như bao người khác, “Người cho nắng mưa sa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ” (Mt 5, 45). Thiên Chúa không loại trừ một ai. Người cho ta tự do chọn lựa cách sống để trở thành loại nào trong biển gian trần. Ta chọn là loại cá nào trong lưới Giáo Hội? Là loại tông đồ nào trong đội ngũ những người đi lưới cá?

Là cá xấu, ai cần dùng ta? Cá xấu làm sao ăn, làm sao chế biến, làm sao đủ dinh dưỡng nếu không nói nó còn gây độc hại? Bởi không dùng được, người ta sẽ vứt nó ra ngoài mà không hề tiếc nuối. Ta là tông đồ dỏm? Tông đồ dỏm sẽ làm rách lưới, rối loạn đội ngũ lưới cá; cá sợ hãi và sẽ bỏ trốn. Việc chài lưới thế là thất bại. Ai cần dùng loại tông đồ đó?

Chúa ơi, Chúa đã ban cho chúng con nhiều ân huệ. Chúa đã đặt vào chúng con trí óc minh mẫn và con tim nhạy bén, xin Chúa cho chúng con biết chọn lối sống tích cực và phù hợp, để được là những chú cá, con cá, cô cá, cậu cá tốt trong lưới Giáo Hội của Chúa, như bản chất ban đầu Chúa tạo dựng, “Người thấy mọi sự thế là tốt” (x. St 1). Một khi gia nhập đội ngũ tông đồ của lưới Giáo Hội, xin cho chúng con là những tông đồ chân chính, nhiệt thành lưới về cho Chúa thật nhiều cá. Sau cùng và trên hết, xin cho chúng con ngày sau cùng được xum họp với Chúa trong Nước Trời là nơi chúng con vẫn hằng khát khao và kiếm tìm.
A. Ngọc Hạnh, LCSP
2/8/2012

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.